Bài viết số 2 lớp 12 (bài hay)

Thứ bảy , 08/08/2015, 22:38 GMT+7
     

I. Yêu cầu

- Biết vận dụng những kiến thức và kĩ năng về văn nghị luận xã hội để viết bài nghị luận về một hiện tượng đời sống.

- Biết vận dụng những tri thức xã hội, những kinh nghiệm và vốn sống cá nhân để bình luận, đánh giá về một hiện tượng đời sống.

- Nâng cao ý thức và có thái độ đúng đắn với những hiện tượng đời sống xảy ra hằng ngày.

II. Rèn luyện kĩ năng

Đề bài: Em có suy nghĩ gì về hiện thực gian lẫn trong thi cử sau: nhiều thí sinh bị xử lí kỉ luật do vi phạm quy chế thi, trong đó có một số thí sinh bị đình chỉ thi, chủ yếu do mang tài liệu vào phòng thi. Hình thức mang tài liệu, phao thi ngày càng tinh vi, chúng được giấu trong thước kẻ, điện thoại di động, trong đế giày…

Gợi ý

- Về nội dung:

Cần làm rõ đây là một hiện tượng xấu, phải phê phán nghiêm khắc.

Bản thân em cần phải làm gì để tránh tình trạng đó và để tham gia các kì thi đạt kết quả cao.

- Về hình thức:

Cần viết đúng kiểu bài (nghị luận): thao tác lập luận chính (bình luận) ngoài ra còn kết hợp với các thao tác như phân tích, so sánh.

Trình bày phải rõ ràng, mạch lạc, diễn đạt trong sáng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng cụ thể, chính xác…

 

Tham khảo bài làm

Môi trường học đường của chúng ta hiện nay đang đứng trước nhiều thói hư tật xấu như: bạo lực học đường, nói tục chửi thề, bệnh thành tích trong giáo dục… Một trong những vấn đề thách thức hàng đầu hiện nay đó chính là GIAN LÂN TRONG THI CỬ. Đây là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại mà ta cần lên án và loại bỏ.

Trước hết ta cần hiểu "gian lận trong thi cử là gì"? Gian lận trong thi cử là hành vi của thí sinh quay cóp tài liệu, trao đổi bài trong phòng thi. Có đôi khi việc gian lận đó là do giáo viên tạo điều kiện để gian lận. Biểu hiện đó là vụ học sinh Đồi Ngô (Bắc Giang) trong kỳ thi Tốt nghiệp 2012 gây xôn xao dư luận.

 

Từ cách giải thích ở trên ta thấy "Gian lận trong thi cử" là hiện tượng xấu có nhiều tác hại.

Thứ nhất, tạo ra kết quả ảo, thành tích ảo, chất lượng giáo dục đi xuống. Người học không có kiến thức cho nên không đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Từ đó sẽ kéo theo nhiều hệ lụy.

Thứ hai, gian lận trong thi cử sẽ làm cho người học không có chí tiến thủ trong học tập, càng sinh ra sự lười biếng, ỉ lại. Chắc chắn họ sẽ đánh mất đi tương lai của mình khi đang ngồi trên ghế nhà trường.

Thứ ba, gian lận trong thi cử tạo nên thói quen dựa dẫm, là biểu hiện của những con người thiếu lòng tự trọng, thiếu tự tin, đánh mất đi nhân cách phẩm giá của mình.

Nguyên nhân dẫn đến nạn gian lận trong thi cử có thể kể đến là: do sự lười biếng của học sinh; do mất kiến thức cơ bản; do học tập trong ngôi trường thiếu tính kỷ luật. Nữa là do thi cử không nghiêm túc, giám thị coi thi thiếu tính nghiêm minh, từ đó tạo điều kiện cho học sinh quay cóp.

Từ những nguyên nhân đã nêu ở trên ta cần tìm ra biện pháp khắc phục: cần chấn chỉnh lại các kỳ thi, nhất là kỳ thi TN và ĐH. Kỷ luật những giám thi coi thi không nghiêm túc và hủy kết quả bài thi nếu học sinh gian lận trong thi cử. Sự nghiêm minh này là để răn đe một cách có hiệu quả vấn nạn này. Nữa là về phía người học sinh, cần học tập nghiêm túc để khắc phục bệnh lười biếng và gian lận thi cử.

Bên cạnh những học sinh gian lận trong thi cử, chúng ta thấy có rất nhiều tấm gương tự học mà thành tài. Họ là những con người có ý chí, nghị lực và lòng tự trong cao độ. Phải chăng đó là những tấm gương sáng như thầy Nguyễn Ngọc Ký, chàng trai Nguyễn Hữu Ân, chàng trai khuyết tật Nguyễn Sơn Lâm.

Từ việc phân tích ở trên ta cần rút ra bài học nhận thức và hành động: về nhận thức ta thấy gian lận trong thi cử là một thói xấu cần lên án vì nó ảnh hưởng tới cả một thế hệ tương lai đất nước. Về hành động ta cần: lên án, tố cáo những hành vi gian lận trong thi cử. Rèn luyện đức tính siêng năng cần cù, ý chí nghị lực sống để học tập nghiêm túc, có kiến thức phục vụ xã hội.

Tóm lại, gian lận trong thi cử là một hiện tượng xấu có nhiều tác hại ảnh hưởng lớn đến môi trường giáo dục. Mỗi cá nhân và tập thể cần lên án, đấu tranh và loại bỏ thói xấu ấy ra khỏi môi trường học đường. Vì một nền giáo dục tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc tất cả hãy nói KHÔNG với gian lận trong thi cử.

bai viet so 2 lop 12 bài viết số 2 lớp 12