Cách phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình

Thứ hai , 11/05/2015, 09:41 GMT+7
     

Phân tích tâm trạng nhân vật trữ tình:

a) Nhân vật tữ tình trong bài thơ là loại nhân vật trữ tình trực tiếp (tác giả thể hiện trực tiếp tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của mình). Cũng có khi là loại nhân vật trữ tình gián tiếp đằng sau nó còn một nhân vật nữa là tác giả (Mẹ Suốt, Người con gái Việt Nam...).

b) Sau khi đọc xong toàn bài, cần chỉ ra những nét nghĩa trong các câu thơ, phải nắm bắt ý tưởng chung toàn bài. Đây là bước đầu tiên, nhằm có được một ấn tượng chung. Ví dụ đọc Đây mùa thu tới, ấn tượng đầu tiên gợi cho ta đó là: Bài thơ viết về mùa thu, một mùa thu buồn mà đẹp. Sau đó có thể trên cái nền chung ấy mà khám phá tiếp.

c) Nắm bắt được sự vận động và phát triển của tâm trạng nhân vật trữ tình. Muốn nắm bắt được sự vận động và phát triển của tâm trạng nhân vật trữ tình, thường là theo cách phân chia bài thơ ra làm các phần, đoạn (nếu là thơ cách luật thì theo câu) tương ứng với tính chất và ý nghĩa của tâm trạng được thể hiện trong đó. Ví dụ ở bài thơ Đất nước của Nguyễn Đình Thi, ta thấy sự vận động và phát triển tâm trạng cảm xúc như sau:

- Từ mùa thu nay nhớ về một mùa thu Hà Nội quá khứ, một mùa thu đẹp, mơ mộng, buồn, lặng lẽ và quyến luyến.

- Mùa thu Việt Bắc, cũng là mùa thu đất nước hôm nay hiện ra trong một cảm xúc hân hoan, phấn chấn, tự hào, sau đó là cảm xúc sâu lắng hướng về nguồn cội.

- Hình ảnh đất nước trong đau thương mà anh dũng hiện ra trong cảm xúc căm thù giặc, khí thế quật khởi, hào hùng, bi tráng, mang âm hưởng sử thi.

d) Chú trọng các chi tiết nghệ thuật tiêu biểu và tâm trạng nhân vật trữ tình.

Các chi tiết này có khi là hình ảnh thơ, có khi là cách ngắt nhịp câu thơ, hay là sự điệp lại từ, hoặc có khi chỉ là một từ, v.v... Tâm trạng của nhân vật trữ tình có khi thuần nhất một loại tâm trạng, có khi rất phức tạp như một phức hợp tâm trạng. Tâm trạng nhân vật trữ tình trong bài Đất nước kể trên cũng là một loại tâm trạng phức hợp. Ở những bài thơ dài, lớn về khuôn khổ và lý tưởng, nhân vật trữ tình thường mang tâm trạng phức hợp đó.

e) Cuối cùng là phải tổng hợp, khái quát và nâng cao, thường là kèm theo đánh giá. Cũng có khi liên hệ, so sánh giữa các bài, chủ để, tâm trạng...