Em đã nghe (hoặc đọc) rất nhiều câu chuyện nói về danh nhân. Hãy kể lại câu chuyện em thích nhất

Chủ nhật , 09/04/2017, 15:45 GMT+7
     

 Tập làm văn lớp 4: Em đã nghe (hoặc đọc) rất nhiều câu chuyện nói về danh nhân. Hãy kể lại câu chuyện em thích nhất.

Bài làm

Truyện về danh nhân thế giới rất nhiều và hấp dẫn đối với em. Mỗi truyện đều đem lại một tấm gương sáng, một bài học cho lớp trẻ chúng em. Câu chuyện “Nhà bác học Ê-đi-xơn và bà cụ” là một câu chuyện như thế.

Ê-đi-xơn là một người Mĩ, một con người tận tuy với khoa học, với sự phát triển của thế giới loài người, ông còn là một nhà bác học lừng danh. Sự nghiệp của ông lớn biết nhường nào. Ông đã cống hiến sức lực của mình để làm ra máy ghi âm, điện thoại, điện báo,...

bac hoc e di xon

Tại làng Men Lô-pác thuộc ngoại ô thành phố Niu-Y-ooc, đã xảy ra một sự kiện lịch sử. Đó là một sự kiện nhà bác học Ê-đi-xơn đưa bóng đèn điện vào thắp sáng. Người từ các nơi ùn ùn kéo đến cái làng nhỏ bé này để xem ánh điện phát đi. Trong dòng người ấy, có một cụ già. Ngày ấy, đường đi lại rất khó khăn. Bà cụ phải chống gậy lần mò từng bước trên con đường mười cây số. Đến một đoạn đường, mệt mỏi, bà cụ dừng chân bên một vệ đường thì Ê-đi-xơn đi qua. Thấy bà cụ ngồi đấm lưng, bóp chân, ông dừng lại hỏi thăm cụ. Bà cụ kể lại cho Ê-đi-xơn biết mục đích của chuyến đi khó khăn này. Nói xong, cụ chép miệng:

- Ông Ê-đi-xơn tài giỏi là vậy mà sao không chế tạo được chiếc xe không cần ngựa kéo. Nếu có một xe như vậy thì thật hạnh phúc cho già này.

Nghe bà cụ nói vậy, một ý nghĩ loé lên trong óc nhà bác học. Một cái xe không cần ngựa kéo, một chiếc xe chạy bằng điện... Ê-đi-xơn hồ hởi reo lên: Hay quá! Hay quá! Một đề nghị có giá trị! Ông cúi xuống bảo bà cụ:

- Cụ ơi, tôi là Ê-đi-xơn đây. Nhờ cụ mà tôi nảy ra ý định sáng chế chiếc xe chạy bằng điện đấy. Tôi sẽ mời cụ đi chuyến xe đầu tiên, cụ nhé!

Cụ già nhìn Ê-đi-xơn tự nhủ: Bác học mà cũng giản dị như người bình thường vậy sao? Bà cụ vui vẻ nắm tay Ể-đi-xơn và bảo:

- Thế nào già cũng đến. Nhưng ông phải nhanh lên nhé! Già này yếu lắm rồi!

Sau một thời gian miệt mài nghiên cứu, Ê-đi-xơn đã chế tạo thành công chiếc xe điện đầu tiên trên thế giới. Ngày chuyến xe điện đầu tiên khởi hành, dân khắp nơi xếp hàng dài để mua vé. Ê-đi-xơn trịnh trọng mời bà cụ dạo nọ đi chuyến xe ấy. Đến ga ở Men-Lô-pác, hỏi cụ:

- Thế nào, cụ có thích cái xe đó không?

Một nụ cười móm mém trên khuôn mặt phúc hậu của bà cụ thay cho lời cảm ơn nhà bác học đã cho hưởng diễm phúc của những năm tháng cuối đời.

Thật bất ngờ mà cũng thật lý thú. Câu chuyện trên đã ca ngợi đức tính cao đẹp của Ê-đi-xơn, nhà bác học luôn hoà đồng với mọi người, luôn chủ động suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để giúp ích cho đời.

Ê-đi-xơn là tấm gương sáng cho em noi theo. Em sẽ cố gắng rèn luyện để mai sau trở thành con người có ích cho dân, cho nước.

Đặng Thuỷ Quỳnh - Bắc Giang

Nhận xét của giáo viên:

Đọc sách, đọc truyện là một sở thích quen thuộc của các bạn nhỏ. Nhưng đọc hoặc nghe câu chuyện nói về danh nhân rồi kể lại thì thật không dễ dàng.

Quỳnh đã kể lại câu chuyện: “Nhà bác học Ê-đi-xơn và bà cụ ” một cách sáng tạo theo cảm nhận riêng của mình. Các tình tiết trong truyện không diễn ra một cách khô khan, lạnh lùng mà rất sống động, lý thú. Qua câu chuyện bạn kể, người đọc thấy được đức tính cao đẹp của nhà bác học Ê- đi- xơn, “nhà bác học luôn hoà đồng với mọi người, luôn chủ động suy nghĩ, tìm tòi, sáng tạo để giúp ích cho đời”.

Bài luyện tập

1. Em hãy nêu những sự việc chính xảy ra trong câu chuyện “Nhà bác học Ê- đi- xơn và bà cụ già”.

2. Hãy kể lại câu chuyện về một danh nhân mà em thích nhất.