Giới thiệu về bãi biển Sầm Sơn

Thứ năm , 06/04/2017, 00:08 GMT+7
     

 Tập làm văn lớp 3: Quê hương (hoặc nơi em đang ở) là một thị xã du lịch. Em hãy nói để các bạn trong lớp cùng biết về thị xã du lịch thân yêu của mình.

Bài làm

- Chào các bạn!

Trong tiết tập làm văn hôm nay, mình rất vui khi được giới thiệu với các bạn về quê hương của mình.

Mình sinh ra ở thị xã sầm Sơn thuộc tỉnh Thanh Hóa. Từ khi sinh ra cho đến hết năm học lớp 2, mình lớn lên ở quê. Khi mình lên lớp 3 cũng là lúc bố mẹ mình chuyển vào công tác tại Thành phố Hồ Chí Minh. Xa quê mới chỉ mấy tháng nên tất cả vẻ đẹp của quê hương vẫn hiện ra trước mắt mình rất rõ.Từ thành phố Thanh Hóa, dọc theo con đường nhựa rộng, đi khoảng 15 cây số là đến thị xã sầm Sơn. Gần đến thị xã, các bạn sẽ được đón làn gió mát rượi thổi từ biển vào. Dù đi đường có vất vả đến mấy, chỉ cần có làn gió biển là bao nhiêu mệt nhọc như tan biến hết. Trên đường vào thị xã, nhìn về phía tay phải là dãy núi Trường Lệ thoai thoải. Có rất nhiều giai thoại kể về dãy núi này. Trong đó có một giai thoại kể rằng : có người vợ chờ chồng, khóc hoài, khóc hoài nên nước mắt chảy hóa thành dãy núi. Dọc theo con đường chính là những khách sạn mà mùa hè đến, khách sạn nào cũng đông nghịt người. Theo con đường nhựa ra bãi biển, một cảnh tượng đẹp tuyệt vời hiện lên trước mắt đấy các bạn ạ. Bãi cát trắng mịn màng trải dài tít tắp hàng cây số. Nước biển xanh trong, những làn sóng nhẹ nối nhau xô vào bãi cát, gợi lên cảm giác lâng lâng khó tả. Mình đã được bố mẹ cho đi du lịch nhiều nơi. Nhưng quả thực, mình chưa thấy nơi nào có một bãi cát phẳng, mịn màng đến như thế. Ngay đầu bãi tắm chính là ngôi chùa Độc Cước. Theo con đường vòng quanh lên chùa, ta thấy một ngôi chùa cố kính. Cây đa cô thụ tỏa cành lá xum xuê che mát cho khách thập phương đên thăm chùa. Các cụ quê mình kế rằng ngày xưa quỷ biển hay vào quấy rối cuộc sống yên bình của mọi người. Bỗng ngày kia xuất hiện một vị thần, cứu giúp dân làng. Nhưng bọn quỷ dữ quá đông, thần không thể một mình chiến đấu chống bọn chúng được. Chính vì thế, thần tách đôi người mình ra. Một nửa thân thể đánh bọn quỷ ngoài biển. Còn một nửa thân thể bảo vệ dân làng trên đất liền. Để nhớ ơn vị thần đã cứu mình, dân làng liền xây ngôi chùa Độc Cước. Trong chùa có pho tượng chỉ có nửa người mà thôi. Hè này, bố mẹ cho mình về thăm ông bà, thăm quê hương đấy.

Thị xã quê mình còn biết bao cảnh đẹp. Mình không thế giới thiệu hết cho các bạn nghe trong tiết tập làm văn hôm nay được. Tiết tập làm văn sau, mình sẽ giới thiệu cho các bạn nghe tiếp nhé.