Hãy kể lại một việc tốt mà em đã làm hoặc chứng kiến

Chủ nhật , 09/04/2017, 15:15 GMT+7
     

 Tập làm văn lớp 4: Hãy kể lại một việc tốt mà em đã làm hoặc chứng kiến.

Bài làm 

Như thường lệ, sáng hôm ấy, tôi tung tăng cắp sách đến trường để làm trực nhật. Đang thong dong, bỗng tôi nhìn thấy một vật gì trên đường. Tôi chạy tới ngó xem. A! Đó là một ví da. Vì vội, tôi nhét luôn vào cặp.

Lớp vẫn còn vắng. Tôi ngồi vào chỗ, lấy ví ra, nhét vào ngăn bàn. Mân mê cái ví đẹp, tôi chợt tò mò, không biết trong ví có gì nhỉ. Nghĩ vậy, tôi liền mỏ ví ra. Ôi! Nhiều tiền quá! Những xấp một trăm nghìn mới cứng hiện ra trước mặt tôi. Tôi run và lo sợ. Tôi thầm nghĩ: “Ai mà ẩu thế nhỉ! Từng này tiền mà để mất!” Cả buổi học hôm đó tôi không thể tập trung nghe giảng được. Tôi cứ chăm chú được chốc lát thì cái ví lại hiện ra. Cuối buổi học, tôi đi về mà lòng ngổn ngang những ước muốn, những ý nghĩ. Tôi muốn nhiều thứ lắm: nào là để dành tiền vào heo đất, nào là mua truyện tranh, mua quần áo mới và đồ dùng học tập. Bỗng, tôi thấy mình như có tội. Tôi nên mua hay nên trả lại đây. Tôi đứng sững người lại đắn đo một lát rồi nghĩ: “Chắc người mất ví này buồn lắm”. Thế rồi, tôi quyết định chạy đến đồn công an khai báo. Đồn công an là một ngôi nhà nhỏ ở góc chợ. Tuy bé nhưng đồ đạc trong phòng xếp gọn gàng, ngay ngắn. Ngồi làm việc là một chú công an chừng ba mươi tuổi. Khi tôi rụt rè bước vào, chú ngẩng mặt lên. Đôi mắt chú sáng ngời, mỉm cười hỏi:

- Có chuyện gì vậy cháu!

Lời nói âu yếm của chú làm bao âu lo trong tôi tan biến hết. Tôi lễ phép trình bày mọi chuyện. Lúc đó, có một cô gái hớt hơ hớt hải chạy vào. Mồ hôi nhễ nhại, cô kể lể với chú, mắt rớm lệ. Tôi cầm ví lên hỏi:

- Có phải ví này không cô?

Cô mừng rỡ, nét mặt hân hoan cảm ơn tôi. Cô còn cho tiền nhưng tôi đã nói:

- Không, cháu không nhận đâu cô ạ. Chỉ cần cô nhận lại được cái ví là cháu vui rồi. Nhặt được của rơi trả lại người mất là trách nhiệm của một đội viên, cô ạ.

Tôi chào chú công an ra về. Tôi đi rồi mà cô gái vẫn đứng nhìn theo, mắt ngơ ngác. Còn tôi cảm thấy lòng thanh thản, nhẹ nhõm: Tôi đã làm được việc có ích.

Cho đến giờ, mỗi lần nghe những câu chuyện nói về tấm gương người tốt việc tốt tôi lại nhớ đến lần đó. Và tôi lại mỉm cười. Kỉ niệm đó sẽ không bao giờ phai mờ trong tâm trí tôi.

Nguyễn Trọng Đức - Hà Nội

Nhận xét của giáo viên:

1. Những ưu điểm cần học tập

Đức đã kể rất chân thực về một việc tốt mình đã làm. Các sự việc trong câu chuyện hiện ra đầy đủ như trình tự vốn có của nó. Câu chuyện là một tình huống quen thuộc “nhặt được của rơi, trả người đánh mất”, nhưng dưới ngòi bút của tác giả nhỏ tuổi này, ta vẫn nhận ra được chất văn “tiềm ẩn”. Đức đã kết hợp khá nhuần nhuyễn giữa kể chuyện với miêu tả, đặc biệt là những câu văn bạn tả tâm trạng mình khi nhặt được ví: có vui, có ngạc nhiên, có sợ hãi, có cả sự mâu thuẫn đấu tranh tư tưởng “nên làm thế nào với cái ví?”, đề rồi cuối cùng là sự thanh thản, nhẹ nhõm của “một người khi làm được việc tốt”. Những cung bậc cảm xúc đó rất “thật”. Bên cạnh đó, Đức khá thành công trong ngôn ngữ kể chuyện. Bạn sử dụng nhiều từ láy để biểu hiện hành động, suy nghĩ, ngoại hình nhân vật (ngổn ngang, đắn đo, hớt hơ hớt hải, nhễ nhại, hân hoan, thanh thản, nhẹ nhõm ), qua đó bộc lộ tính cách nhân vật.

Cách kết bài cũng góp phần nâng cao giá trị bài văn của bạn.

2. Những hạn chế cần rút kinh nghiệm

- Câu mở đầu bài văn chưa thật chặt chẽ về ý.

- Phần chính của câu chuyện quá dài, cần phải tách được thành ra 2 hoặc 3 đoạn văn.

- Nếu bạn tả đôi chút về hình dáng bên ngoài của chiếc ví thì bài văn sẽ sinh động hơn.

Bài luyện tập:

1. Theo em câu văn sau sai ở chỗ nào? Hãy sửa lại cho đúng.

Như thường lệ, sáng hôm áy, tôi tung tăng đến trường để làm trực nhật

2. Chuyển lời dẫn trực tiếp trong đoạn văn sau thành lời dẫn gián tiếp.

Tôi cầm ví lên hỏi:

- Có phải ví này không cô?

Nhìn thấy chiếc ví, cô mừng lắm, cô rối rít cảm ơn tôi. Cô còn cho tôi tiền nhưng tôi đã nói:

- Không, cháu không nhận đâu cô ạ. Chỉ cần cô nhận lại được cál ví là cháu vui rồi. Nhặt được của rơi trả lại người mất là trách nhiệm của một đội viên, cô ạ.

3. Viết 1-2 câu văn tả hình dáng chiếc ví mà bạn Ngọc nhặt được.

4. Dựa vào cốt truyện sau, em hãy kể lại truyện “Sự tích trầu cau”:

- Nhà viên quan nọ có hal người con trai cách nhau một tuổi nhưng giống nhau như hai giọt nước.

- Sau khi cha mất, họ đến học ở nhà ông đạo sĩ họ Lưu.

- Cô con gái rất xinh đẹp của thầy Lưu muốn lấy người anh làm chồng.

- Khi người anh lấy vợ, người em rất buồn vì tình cảm của hai anh em không được như trước.

- Một hôm, do trời tối người chị dâu tưởng người em là chồng mình đi làm về nên đã biểu lộ tình cảm thắm thiết với người em.

- Tình cờ nhìn thấy cảnh vợ và em mình, người anh đem lòng nghi ngờ em trai.

- Người em buồn tủi, bèn bỏ nhà ra đi, chết và biến thành một tảng đá.

- Người anh ân hận đi tìm em, chết và biến thành một cây không cành mọc thẳng ngay sát tảng đá.

- Người vợ đl tìm chồng, chết biến thành một dây leo cuốn chặt lấy cái cây không cành mọc bên tảng đá.

- Mọi người bèn ăn thử lá dây leo với quả cây không cành, thấy thơm ngon, nên gọi là cây trầu và cây cau.

ke lai mot viec tot ke ve mot viec tot