Kể lại kỉ niệm về lời dạy của bà làm em nhớ mãi

Thứ hai , 11/05/2015, 08:46 GMT+7
     

Đề bài: Viết đoạn văn kể về những việc làm hoặc những lời dạy bảo giản dị mà sâu sắc của người bà kính yêu đã làm cho em cảm động (trong đoạn văn có sử dụng yếu tố nghị luận).

Tham khảo bài làm của bạn Võ Thị Hương lớp 9A1 trường THCS Nam Kì Khởi Nghĩa

Bà tôi tóc bạ da mồi, sống nơi làng quê êm đềm có lũy tre xanh, có dòng sông tươi mát. Thuở nhỏ tôi thường về quê chơi. Với tôi, quê hương là bà, nơi mái tóc bạc phơ ấy, tôi thấy cả bầu trời xanh thẳm bình yên, từ bàn tay da nhăn, tôi nhìn thấy hình ảnh đồng ruộng đang phập phồng hơi thở, mỗi lần nghe giọng nói quen thuộc ấy, tôi lại tưởng đến cái êm ả hiền hòa của dòng sông xuôi.

Ba tháng hè bên bà là khoảng thời gian tôi hạnh phúc nhất. Bà hay kể chuyện cho tôi nghe, dạy tôi làm văn, làm toán… Có một lần đang dạy tôi làm phép chia, bà nói: “Trong bốn phép tính, phép chia là khó nhất. Có những người lớn lên, thành  đạt mà vẫn không làm nổi phép tính chia thông thường”. Bài học đầu tiên mà bà dạy tôi bắt đầu từ câu nói ấy…

Nhà bà có cây xoài rất sai quả, mỗi lần đến mùa quả chín, bà không hái đem ra chợ bán như những nhà vườn khác mà lúc nào cũng đem chia làm ba phần: một phần gửi cho ba mẹ tôi, một phần biếu bác Hảo- bạn thân của bà và phần còn lại chia cho bà con lối xóm. Có người bảo bà dại nhưng bà hay nói với tôi: “Biết chia sử với mọi người cũng là một cách cộng lấy niềm vui, nhân lên hạnh phúc cho mình và trừ đi những lo lắng trong lòng. Cháu thấy không, tín chia thật kì diệu”. Phép tính chia của bà chỉ thế thôi nhưng khiến cho hàng xóm chúng tôi mọi người xích lại gần nhau hơn, mỗi khi ra ngoài, ai cũng trìu mến hỏi thăm tôi, hay tặng tôi thức này thức khác. Bà lớn tuổi rồi nhưng vẫn tham gia vào Hội phụ nữ hay đi vận động quyên góp giúp đỡ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, neo đơn. Đi theo bà đến nhà người này, người kia kêu gọi lòng hảo tâm, tôi mới thấy ý nghĩa của những gì bà nói. Rồi bà kể cho tôi nghe chuyện lão phú ông trong truyện cổ tích Cây tre trăm đốt chỉ biết làm phép cộng làm giàu cho mình từ sức lao đọng cua anh Khoai nên cuối cùng mới bị anh Khoai trã đũa, chuyện anh nông dân tốt bụng biết chia chút thức ăn ít ỏi của mình cho kẻ ăn mày để cuối cùng được sự giúp đỡ của tiên ông… Phép tính chia của bà, chia khổ đau bất hạnh, chia hạnh phúc, chia cả sự cảm thông với mọi người chung quanh đã cho tôi hiểu ý nghĩa của cuộc sống tình nghĩa. Có phải vì năm bắt được “nguyên lí” của phép chia mà bà luôn cảm thấy thanh thản và thư thái trong cuộc sống? Không phải phép cộng, phép trừ hay phép nhân mà do phép chia mới tạo nên vẻ gần gũi, phúc hậu kết đọng lại trên gương mặt bà. Có phải vì vậy mà mỗi lần được ở bên bà, tôi lại cảm thấy bình yên? Thì ra phép chia còn khiến cho người ta trở nên cao đẹp! “Phép tính chia đơn giản vậy thôi nhưng bà đã phải suy ngẫm cả đời mới có được” – bà bảo – “Nhưng nếu con đã hiểu được ý nghĩa của nó rồi, con sẽ không ngần ngại gì mà áp dụng nó trong cuộc sống để đem lại hạnh phúc cho chính bản thân con”.

Một nhà toán học nào đó đã nói: “Chính phép tính chia chứ không phải phép tính cộng hoặc phép tính nhân đã làm cho con người ta trở nên vĩ đại”. Bà tôi không phải vĩ nhân nhưng những gì bà làm bằng phép tính chia đã khiến bà trong mắt tôi và trong mắt mọi người thật cao quý.