Lòng kiên trì là một trong những yếu tố giúp chúng ta có được thành công trong học tập. Em hãy kể lại một câu chuyện có nội dung như thế

Chủ nhật , 09/04/2017, 15:37 GMT+7
     

 Tập làm văn lớp 4: Lòng kiên trì là một trong những yếu tố giúp chúng ta có được thành công trong học tập. Em hãy kể lại một câu chuyện có nội dung như thế.

Bài làm

Cứ đến giờ làm văn viết ở lớp y như rằng em sợ toát mồ hôi. Chép đề xong là em lại ngồi... cắn bút đến hơn nửa tiếng đồng hồ. Gớm! Nhìn sang tụi bạn mà thèml Chữ nghĩa ở đâu mà chúng nó tuôn ra lắm thế! Chúng cứ cắm cúi, hí hoáy viết kín cả một trang rồi, còn em... bóp trán mãi, cuối cùng em cũng cố nặn ra được dăm, bảy dòng rồi tự dưng tắc nghẽn. Chưa bao giờ em được điểm cao về môn này, chẳng bù cho môn toán bao giờ em cũng ở vị trí thủ khoa. Mẹ em động viên: “Phải kiên trì và nhẫn nại con ạ, chớ vội chán nữa! Ông bà đã bảo: “Văn ôn võ luyện” mà, có gì mẹ sẽ giúp đỡ con”.

Được sự chỉ bảo của mẹ, ngoài việc học bài mới, em dành ra hẳn một tiếng rưỡi đồng hồ trong ngày để học văn. Trong suốt mấy tuần đầu, em tìm lại sách lớp Ba, lớp Bốn để ôn lại phần lý thuyết mà em đã đánh rơi mất từ lâu lắm rồi. Mẹ em dạy cho em cách tìm hiểu đề, tìm ý,... cách sử dụng từ ngữ cho thích hợp. Từ những bài tập đầu tiên hết sức đơn giản “Đặt câu theo chủ đề” nhưng đối với em nó không trôi chảy chút nào, rồi lại đến bài tập dựng đoạn, em phải viết nhiều lần ra nháp. Mẹ em lại góp ý, sửa lỗi cho em, gợi cho em cách diễn đạt khác.

“Học thầy không tày học bạn”, em tranh thủ tới nhà cái Phương, cái Xuân để học hỏi thêm kinh nghiệm. Được bạn “bật mí” em càng chịu khó học chăm hơn. Bố đi công tác về mua cho em tập sách “Bồi dưỡng mầm non văn học”, “Những bài văn mẫu lớp 5” nhưng em chỉ đọc tham khảo chứ không bao giờ viết lại như thế.

Lập được dàn ý một bài văn hoàn chỉnh đã là khó nhưng viết thế nào cho hay, cho sinh động, cho truyền cảm lại càng khó hơn. Nhưng mà em không nản chí nữa, có mẹ giúp đỡ, có cô giáo động viên, buổi học hôm nào em cũng viết một đoạn văn ngắn đưa mẹ xem. Một tháng... hai, ba tháng trôi quâ. Một hôm, đọc bài văn viết, mẹ bảo: “Ừ, dạo này con viết câu không sai nữa rồi”. Thật sung sướng biết bao, em mừng đến trào nước mắt. Rồi một hôm, lần đầu tiên em được điểm chín về tập làm văn và bài viết của em được cô giáo đọc mẫu cho cả lớp nghe. Các bạn vỗ tay thật to và nhìn em với ánh mắt thán phục.

Từ đó biệt danh “Xuân óc mít” các bạn đặt cho em đã bị lãng quên, nhưng không vì thế mà em không ngừng rèn luyện phấn đấu trở thành học sinh giỏi văn.

Hoàng Nữ Phú Xuân

Lời nhận xét của giáo viên:

Sử dụng cách vào đề trực tiếp Phú Xuân bắt đầu kể về một câu chuyện vượt khó vươn lên trong học tập. Cách kể chuyện của Xuân thật ấn tượng, lời văn dí dỏm, hài hước nhưng rất chân thực: “Gớm! Nhìn sang tụi bạn mà thèm! Chữ nghĩa ở đâu mà chúng nó tuôn ra lắm thế!...”

Kể về một nội dung khá khô khan nhưng bàl viết của Xuân vẫn có sức truyền cảm, bởi người đọc thấy được trong câu chuyện của Xuân tình nhân ái bao la của mọi người trong gia đình, đặc biệt là của mẹ dành cho em, tình cảm và sự chân thành giúp đỡ của bạn bè, sự động viên kịp thời của thầy cô giáo. Những tình cảm ấy là nguồn động viên lớn lao với Xuân để em có thể vượt khó vươn lên. Quá trình đi đến thành công đó được em kể lại khá cụ thể, chi tiết, sinh động.

Cách kết thúc bài gọn và mở ra nhiều suy nghĩ cho người đọc.

Bài luyện tập:

1. Theo em, ý nghĩa câu chuyện bạn Xuân kể là gì?

2. Em hãy thử đưa phần kết quả rèn luyện của Xuân thay phần mở bài Và viết lại bài văn theo hướng đó.

3. Sắp xếp theo trình tự hợp lý các sự việc xảy ra trong truyện “Có công mài sắt có ngày nên kim”. Sau đó kể lại câu chuyện bằng lời của cậu bé.

- Cậu bé ngạc nhiên khi thấy bà cụ mải miết mài thỏi sắt vào tảng đá để thành một chiếc kim khâu quần áo.

- Cậu bé hiểu ra, quay về học bài.

- Lúc đầu cậu bé rất lười học.

- Bà cụ giảng giải: “Có công mài sắt, có ngày nên kim”.