Những Bài Văn Tả Người Lớp 5 Hay Nhất

Thứ sáu , 07/04/2017, 19:27 GMT+7
     

 Tập làm văn lớp 5: Những Bài Văn Tả Người Lớp 5 Hay Nhất

Tả một em bé đang tuồi tập đi, tập nói

Bài làm

Bà em bảo: “Ba tháng biết lẫy, bảy tháng biết bò, chín tháng lò dò biết đi”. Cháu Trà của em đã được chín tháng, ai cũng rất yêu vì cháu bé nhất nhà.

Trông cháu thật là xinh. Tóc tơ đen nhánh, khuôn mặt tròn và hồng hào. Đôi mắt đen láy. Cái mũi xinh xinh và cái miệng nho nhỏ có đôi môi đỏ chót. Mỗi khi cười, cháu lại phô ra sáu chiếc răng trắng nõn trông thật ngộ. Cháu bụ bẫm, da trắng hồng và đang lon xon tập đi nhanh. Có lần, cả nhà quây quần, em bảo cháu: “Bé Trà bắt chước người lớn, làm ông cụ đi!”. Nghe thế, cháu bèn đứng dậy, cúi lưng lom khom, vắt hai tay ra đằng sau, loạng choạng bước. Bỗng cháu giơ tay, chới với ra ý không muốn đi nữa. Cả nhà cười ầm lên còn cháu sà vào lòng mẹ, cười khanh khách. Thanh Trà lúc nào cũng vui tươi và bi bô luôn miệng nhưng chỉ mới bập bẹ được mấy tiếng: “ông, bà, bố, mẹ, măm,...”. Cháu cũng hay làm nũng. Mồi khi không vừa ý, cháu lại lăn kềnh ra khóc, hai chân đập thình thịch xuống giường. Cháu thường làm theo lời người lớn dạy. Ai bảo cháu

chào, cháu chìa bàn tay đưa lên ngang tai. Bảo cháu hoan hô, cháu vỗ tay đen đét. Bảo cháu vẫy vẫy thì cháu giơ cánh tay, dùng bàn tay nhỏ xíu vẫy theo. Khi muốn đi chơi, cháu chỉ vào chiếc mũ của cháu trên mắc và hét ầm ĩ.

Được bế đi chơi cháu thích lắm, nhảy cẫng lên sung sướng, mắt sáng lên và vỗ tay rối rít.

Từ khi có cháu Thanh Trà, cả gia đình em vui nhộn hẳn lên. Ai cũng cưng cháu, mong cháu hay ăn chóng lớn.

Vũ Thanh Quang - Hà Nội

Nhận xét của giáo viên:

Cũng tả em bé đang tuổi tập nói, tập đi nhưng Thanh Quang đã thể hiện rất tốt sự hoà hợp của em bé với mọi người trong gia đình, cùng với tình thương yêu của gia đình dành cho bé.

Quang miêu tả hình dáng cùa em bé một cách cụ thể đến từng chi tiết, bạn đã sử dụng một cách hợp lý các tính từ tuyệt đối chỉ màu sắc (như: “đen nhánh", "hồng hào", “đỏ chót", “trắng nõn", “trắng hồng") nhằm làm rõ vẻ đẹp, sự đáng yêu của bé. Sinh động hơn cả là các hoạt động đi, đứng, nói, cười của bé. Ở đoạn tả này, lời văn của Quang giản dị, mộc mạc, chân thực nhưng cũng rất dí dỏm tạo ra sự thú vị đối với người đọc: “cháu bèn đứng dậy, cúi lưng lom khom, vắt hay tay ra đằng sau, loạng choạng bước"', “sờ vào lòng mẹ, cười khanh khách"', "lăn kềnh ra khóc"', “vỗ tay đen đét"; “nhảy cẫng lên sung sướng".

Những từ láy được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ cũng đã góp phần quan trọng làm nổi bật tính nết thơ ngây, hồn nhiên, dễ thương của bé Trà, làm cho chúng ta khi đọc bài văn của Quang cũng thấy yêu bé như mọi người trong gia đình Quang vậy.

Bài luyện tập:

Viết bài văn miêu tả hình dáng và tính nết thơ ngây của một em bé đang tuổi tập nói, tập đi.

Tham khảo thêm bài làm tải em bé tập nói, tập đi tại đây:

 https://hoctotnguvan.net/ta-mot-em-be-dang-tuoi-tap-di-tap-noi-33-2985.html 

 

Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị) của em

Bài làm 

Ông em già nhất khu phố này. Râu tóc ông bạc trắng. Cả lông mày cũng bạc. Thỉnh thoảng, em vẫn nghĩ: ông em là một ông tiên.

Tuy đã già, tuổi lại cao nhưng không buổi sinh hoạt nào ở khu phố mời mà ông em lại không đi. Ai cũng khen ông em tốt bụng. Chả là với người ốm, ông em đến tận nhà khám bệnh (vì ông em là bác sĩ về hưu mà). Đến khám xong, ông em ghi tên thuốc cần thiết để người nhà đi mua. Đừng ai nghĩ là ông em lấy tiền khám bệnh nhé!

Ông em rất chiều em vì trong nhà có mỗi một cô cháu gái mà! Có người bảo ông: “Ông chiều nó quá đấy, can thận kẻo nỏ đâm hư” Nhưng ông em bảo: “Nó làm sao mà hư được. Nó biết vâng lời lại chăm học, ngoan ngoãn

Một hôm, em đến thăm, thấy ông đang ngồi đọc một quyển sách chữa bệnh gì đó. Em hỏi: “Ông ơi, cháu tường cái gì ông cũng biết chứ ạ”, ông mỉm cười: “Chưa đâu cháu ạ ! Ngay đến nhà bác học Đác-uyn khi già vẫn còn học nữa là ông”. Một hôm, em đi học về, thấy mẹ buồn buồn. Em hỏi: “Mẹ ơi, có chuyện gì mà mẹ buồn như thế?” Mẹ trả lời: “Ông đang bị ốm nặng con ạ”.

Em vội đạp xe đến nhà ông. Người đến thăm chật cả nhà. Ông em nằm trên giường, đôi mắt nhắm nghiền. Em lại bên ông, khẽ gọi: “Ông ơi! Cháu đây mà! “ Ông từ từ mở mắt, đưa tay sờ lên đầu giường. Ồ, đây là quyển truyện cổ mà em vẫn mong ước. Ông khẽ mỉm cười. Em cảm động, ứa nước mắt. Ở lại với ông một lúc, trước khi về, em nói khẽ với ông: “Ông ơi, cháu về đây. Ông uống thuốc cho chóng khoẻ, ông nhé!”.

Ông em đã lành bệnh. Mọi người đều vui mừng nhưng em là người sung sướng nhất. Sau trận ốm, ông em vẫn làm việc tốt như xưa. Ôi, có lẽ trên đời này, ông em tốt nhất với em. Ông là người mà em yêu nhất.

Nguyễn Hương Quỳnh - Hà Nội

Nhận xét của giá

1. Những ưu điểm cần học tập

Cách mở bài ngắn gọn, súc tích của Hương Quỳnh đã giới thiệu ngay cho người đọc biết: ông của bạn là bậc cao niên rất đáng kính trọng.

Quả thật như vậy, những đoạn văn miêu tả trong bài thể hiện rõ hình ảnh ông “tuy đã già, tuổi đã cao”, nhưng vẫn có “lối sống mẫu mực”. Chi tiết “vớingười ốm, ông đến tận nhà để khám bệnh” cho thấy sự tốt bụng của ông với tất cả mọi người. Câu văn bạn giải thích thêm: “Đừng ai nghĩ là ông em lấy tiền khám bệnh nhé” nghe thật đáng tự hào. Song ông còn là một người có tinh thần ham học hỏi, coi việc học tập, phát triển trí tụê là công việc suốt đời. Câu nói cùa ông: “Ngay đến nhà bác học Đác-uyn khi già vẫn còn học nữa là ông” không chỉ có tác dụng giáo dục rất lớn với riêng bạn mà còn với cả chúng ta nữa.

Đoạn văn miêu tả bạn đến thăm ông khi ông bị ốm rất nặng thật cảm động. Mặc dù đang nằm trên giường bệnh nhưng ông vẫn cố gắng đưa cho bạn quyển truyện cổ tích - niềm mong ước của bạn bấy lâu. Có một người ông như thế, Hương Quỳnh có quyền tự hào ngưỡng mộ, và suy nghĩ của bạn về ông “Ông em là một ông tiên” cũng không phải là suy nghĩ không tưởng.

2. Những hạn chế cần rút kinh nghiệm

Bạn tả hình dáng của ông còn sơ sài.

Bài luyện tập:

1. Những chi tiết nào trong bài văn cho thấy những đức tính tốt đẹp của ông?

2. Em hãy giúp bạn viết thêm 4 - 5 câu tả hình dáng của ông.

3. Viết một đoạn văn tả hình dáng hoặc tính tình của một cụ già mà em rất kính yêu.

Tham khảo thêm những bài văn tả người thân tại đây:

 Tả người mẹ của em

 Tả một người thân trong gia đình em

 Tả một người thân (ông, bà, cha, mẹ, anh, chị, em... của em)

 

Tả một người lao động (công nhân, nông dân, thợ thu công, bác sĩ, y tá, cô giáo, thầy giáo,...) đang làm việc

Bài làm

Bác thợ rèn cao lớn, cao lớn nhất vùng, vai cuộn khúc, cánh tay ám đen khối lửa lò và bụi búa sắt. Bác có đôi mắt lọt trong khuôn mặt vuông vức dưới rừng tóc rậm dày, đôi mắt trẻ to, xanh, trong ngời như thép. Quai hàm bạnh của bác rung lên với những tràng cười. Những tiếng thở rền vang như ngáy, giống như nhịp thở phì phò của ống bễ.

Tôi được ngắm bác thợ rèn lần đầu vào một buổi chiều thu. Bác đang rền một lưỡi cày. Áo sơ-mi phanh ra để lộ bộ ngực lực lưỡng mà mỗi hơi thở làm hằn lên những chiếc sườn của cái lồng ngực như bằng sắt ấy. Bác ngửa người ra sau lấy đà rồi giống búa xuống. Và cứ thế, luôn luôn như thế không lúc nào dừng, thân hình bác lắc lư, uyển chuyển dưới sức thúc đẩy mãnh liệt của các cơ bắp. Bác quay những vòng tròn đều đặn, mang theo vô số tỉa lửa và để ánh chớp lại trên đe.

Anh thanh niên hai mươi, con trai bác, cặp thỏi sắt đỏ rực ở đầu kim và tự mình cũng đập liên hồi với những tiếng trầm trầm: tốc, tốc, tốc, tốc, nghe như lời mẹ khuyến khích con trong buổi đầu bập bẹ. Những chiếc búa cứ nhảy múa, vung ra xung quanh những vảy vàng trên chiếc áo và in gót lên cái lưỡi cày rèn dở mỗi khi rời nó nhảy lên. Một ngọn lửa đỏ rói làm rõ những xương lồi của hai người thợ trong khi bóng cao lớn của họ in dài trong những góc tối lờ mờ.

Theo Ê-min Dô-la

Lời bình:

Đây là bài văn miêu tả rất đặc sắc về hình ảnh đẹp của một người lao động. Bài văn là kết quả của một quá trình quan sát tỉ mỉ, kỹ lưỡng và hết sức tinh tế của tác giả.

Tác giả miêu tả bác thợ rèn bằng những chi tiết tiêu biểu nổi bật cho dặc điểm nghề nghiệp của bác: vóc dáng “cao lớn nhất vùng", “vai cuộn khúc”, “cánh tay ám đen khói lửa lò và bụi bủa sắt" - dấu vết công việc của bác.

Khuôn mặt của bác cũng được miêu tả rất cụ thể: “vuông vức”, “tóc rậm dày". Đặc biệt cách so sánh cùa tác giả “đôi mắt lọt trong khuôn mặt vuông vức,dưới rừng tóc rậm dày, đôi mắt trẻ to, xanh, trong ngời như thép”, “những tiếng thở rền vang như gáy, giọng như nhịp thở phì phò của ống bể” càng làm rõ hơn đặc điểm nghề thợ rèn cùa bác.

Đoạn văn miêu tả hoạt động của bác thợ rèn, hay nói cách khác là miêu tả bác thợ rèn lúc đang làm việc thật sống động. Ở đây, tác giả vẫn chủ yếu tập trung miêu tả chi tiết gắn với công việc của bác: “áo sơ mi phanh ra để lộ bộ ngực lực lưỡng mà mỗi hơi thở làm hằn lên những chiếc sườn của cái lông như bằng sắt ấy". Từng hoạt động của bác được miêu tả rất rõ ràng: “Bác ngửa người ra sau lấy đà rồi giáng búa xuống". Tác giả chỉ lựa chọn hoạt động đặc trưng cua bác: cử động quai búa để miêu tả: “và cứ thế, luôn luôn như thế không lúc nào dừng, thân hình bác lắc lư, uyển chuyển dưới sức thúc đây mãnh liệt của các cơ bắp", khiến người đọc có cảm giác như đang được chứng kiến tận mắt cảnh bác thợ rèn đang làm việc.

Bài luyện tập:

1. Tác giả quan sát bác thợ rèn bằng những giác quan nào? Khi quan sát và miêu tả tác giả tập trung vào chi tiết nào là chủ yếu?

2. Tìm những chi tiết tác giả miêu tả hình dáng bác thợ rèn gắn với đặc điểm nghề nghiệp của bác.

3. Em thích nhất hình ảnh nào trong bài văn trên? Vì sao?

4. Viết một đoạn văn tả hình dáng hoặc hoạt động cùa một người lao động mà em biết.

Tham khảo thêm những bài văn tả người lao động tại đây:

 Tả cô công nhân quét rác

 Tả một người thân đang làm việc

 Tả ông em đang chăm sóc cây 

 

Tả một ca sĩ đang biểu diễn 

Bài làm

Đang ngồi chơi, bỗng em nghe thấy tiếng giới thiệu trên ti vi nhà mình: “Các bạn thân mến! Mở đầu chương trình ca nhạc hôm nay, ca sĩ Trần Tiến sẽ biểu diễn bài “Mặt trời bé thơ”. Em vội bật dậy, chạy lên xem. Hay quá! Bài hát này em rất thích mà!

Em chăm chú nhìn lên màn hình nhỏ. Chú Trần Tiến ôm cây đàn ghi ta nhanh nhẹn bước ra sân khấu. Em hồi hộp chờ đợi. Chú ca sĩ gảy đàn. Điệu nhạc quen thuộc vọng vào tai em. Một giọng hát trầm trầm vang lên: “Ngoài kia có cô bé...”. Hay quá! Chú Trần Tiến giả bộ nhòm ngó, rồi lấy ngón tay làm mắt tròn, như trong lời hát, trông thật là buồn cười. Em vừa nghe vừa rung đùi, hát thầm. Giọng chú Trần Tiến trầm xuống. Hai tay chú đặt lên ngực, cái đầu lắc lắc vẻ hóm hỉnh: “...Hạnh phúc quá đơn sơ, mà tôi đâu có ngờ...”. Bỗng chú hát cao ên, mắt nheo nheo: “...Trời mưa quá em ơi...”. Thật vui nhộn, em vỗ tay đồm dộp. Cái miệng chú cười thật tươi. Đang hát vui như vậy thì chú lại cúi gập người, mặt nhăn nhăn nhó nhó, vẻ thương tiếc. Giọng chú hạ xuống: “Bài ca ướt mẩt rồi, còn dâu?”. Em reo lên: “Tài quá!”, chú hát lúc trầm lúc bổng, lời hát đã di sâu vào lòng em. Thỉnh thoảng, chú lại cầm vạt áo com-lê màu sáng. Tay chú giang rộng, hát cao lên: “Tôi đâu có ngờ”. Chú Tiến không ngừng nhún nhảy. Em vừa nghe vừa lắc lư người thích thú. Chú Trần Tiến hát thật hay, phải gọi là mê li. Đoạn cuối, chú hát rất đạt. Từ cái miệng rộng của chú luôn xuất hiện những nụ cười hóm hỉnh. Chú hát cao lên, em tưởng như bay vút lên tận mây xanh. Tay chú giơ cao, ngón tay giả làm mặt trời bé con. Chú hơi cúi người, lấy tay chìa ra trước. Đôi mắt chú mở to, giọng nhanh mà vui nhộn “La la là, là la a...”. Chú ngừng một lát để hát tiếp đoạn hai. Từng khúc nhạc vang lên rộn ràng. Em chạy đến mở to tiếng trong ti vi. Chú Trần Tiến cầm một bông hoa hé nở vừa ngửi vừa nheo mắt. Chú thật là trẻ con. Vừa đánh đàn, chú vừa đi trên sân khấu cười tươi. Một giọng hát quen thuộc lại cất lên. Nhưng sao lần này, chú hát như nhanh lên. Có lúc, chú vuốt mái tóc điểm bạc, cười ngượng nghịu làm em kêu lên: “Chú Trần Tiến này nhộn quá!”.

Lúc hát gần xong, người chú hơi ngà ra sau. “Lá la...”.

Thôi! Thế là bài hát chấm dứt. Nhìn lên ti vi, em tiếc ngẩn ngơ, chỉ muốn chú Tiến hát nữa, hát mãi.

Nguyễn Thị Loan - Hà Nội

Nhận xét của giáo viên:

* Những ưu điểm cần học tập

Loan miêu tả ca sĩ Trần Tiến thật sống động, khiến ta tưởng như đang được cùng bạn ca sĩ hát trên ti vi vậy.

Bạn mở bài một cách khá đột ngột nhưng rất tự nhiên và thú vị. Lựa chọn trình tự miêu tả ca sĩ Trần Tiến biểu diễn từ đầu đến cuối bài hát, bạn lôi cuốn người đọc vào bài văn của mình không thể tách rời. Hình dáng của chú Trần Tiến được bạn khéo léo kết hợp với việc miêu tả cảnh chú biểu diễn bài hát càng tạo ra sức cuốn hút với người đọc. Nhưng đặc sắc nhất và cũng cụ thể nhất là bạn miêu tả một phong cách “đặc biệt” mà chỉ chú Trần Tiến mới có khi biểu diễn bài hát này. Nhờ cách dùng từ gợi tả, gợi cảm đúng chỗ nên giọng văn cùa bạn Loan vừa hồn nhiên vừa dí dỏm, hài hước. Việc bộc lộ nội dung, cảm xúc của bài hát đi liền với các động tác cuả ca sĩ: khi thì “Chú Tran Tiến giả bộ nhòm ngó, rồi lay ngón tay làm mắt tròn, y như trong lời hát”; khi thì giọng chú trầm xuống “hai tay chú đặt lên ngực, cái đau lắc lắc vẻ hóm hình”; rồi chú lại “cúi gập người, mặt nhăn nhăn nhỏ nhỏ, vẻ thương tiếc”, “tay chú giang rộng... chủ không ngừng nhún nhảy", “từ cái miệng rộng của chú luôn xuất hiện những nụ cười hóm hỉnh”...

Trong bài văn miêu tả chú Trần Tiến biểu diễn, ta còn thấy cả hình ảnh của bạn Loan hoà mình vào bài hát của chú nữa: “chăm chú nhìn lên màn ảnh nhỏ”, “hồi hộp chờ đợi” “vừa nghe vừa rung đùi, hát thầm”, “vỗ tay đồm độp”, “reo lên: Tài quá!”, “vừa nghe vừa lắc lư người thích thú”, “kêu lên: - Chú Trần Tiến này nhộn quái”...

Rõ ràng qua bài văn miêu tả của bạn, ca sĩ Trần Tiến xứng đáng là ca sĩ được bạn và rất nhiều người khác ngưỡng mộ.

Bài luyện tập:

1. Bài văn miêu tả theo trình tự nào? Vì sao em biết? Tác dụng của trình tự miêu tả này là gì?

2. Tìm những từ ngữ gợi tả, gợi cảm được sử dụng trong bài?

3. Chi tiết nào miêu tả phong cách biểu diễn của chú Trần Tiến khiến em ấn tượng hơn cả? Vì sao?

4. Những câu văn nào miêu tả cảm xúc của bạn học sinh khi xem chú Trần Tiến biểu diễn?

5. Viết một đoạn văn miêu tả một ca sĩ đang biểu diễn.

Tham khảo thêm những bài văn tả ca sĩ, nghệ sĩ đang biểu diễn:

 Tả một ca sĩ đang biểu diễn

 Tả một nghệ sĩ hài mà em yêu thích