Ôn Tập Và Kiểm Tra Cuối Học Kì 1 Tiếng Việt Lớp 2

Thứ bảy , 25/03/2017, 17:35 GMT+7
     

TUẦN 18: ÔN TẬP VÀ KIỂM TRA HỌC KÌ l

 

TIẾT 1

1. Kiểm tra đọc

Đọc lại tất cả những bài tập đã học. Chú ý sửa sai những phụ âm đầu, vần, thanh điệu mà địa phương mình hay mắc phải.

2. Tìm những từ chỉ sự vật trong câu sau:

“Dưới ô cửa máy bay hiện ra nhà cửa, ruộng đồng, làng xóm, núi non”.

- Hướng dẫn: Trước hết em cần hiểu nghĩa của từ “chỉ sự vật”: Nó chính là “cái tồn tại có ranh giới rõ ràng phân biệt với cái tồn tại khác”. Hiếu được như vậy, em sẽ có cơ sở để xác định các sự vật được nêu trong câu trên.

- Gợi ý: Những từ chỉ sự vật trong câu là:

“ô cửa, máy bay, nhà cửa, ruộng đồng, làng xóm, núi non”.

3. Viết bản tự thuật theo mẫu đã học

- Hướng dẫn: Dựa vào mẫu tự thuật ở trang 7, sách giáo khoa Tiếng Việt 2, tập 1. Em hãy viết một bản tự thuật về chính mình.

 

TIẾT 2

1. Kiểm tra đọc: (Yêu cầu như tiết 1)

2. Em hãy đặt câu

- Hướng dẫn: Dựa vào ba bức tranh và nội dung yêu cầu ở dưới bức tranh để đặt câu cho phù hợp với yêu cầu.

- Bức tranh 1: Em có thể nói: “Cháu chào cô (dì...)!”

“Cháu là Thảo Linh, bạn cùng học một lớp với Ngân. Cháu đến thăm Ngân. Ngân có nhà không ạ?”

- Bức tranh 2: Em có thể nói: “Dạ, cháu chào bác ạ! Cháu là Dũng con của bố Hùng, cách nhà bác hai căn. Bố cháu bảo cháu sang mượn bác cái kìm để bố cháu sửa chiếc xe đạp cho cháu ạ!”

- Bức tranh 3: Em có thể nói: Thưa cô, em là Loan học sinh lớp 2A. Em đến mượn cô cái lọ hoa để bàn phục vụ buổi liên hoan văn nghệ ở lớp chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 ạ!

3. Dùng dấu chấm ngắt đoạn sau thành 5 câu rồi viết lại cho đúng chính tả.

- Hướng dẫn: em đọc lại đoạn văn, suy nghĩ xem, đoạn văn có 5 câu. Tập hợp từ nào diễn đạt đủ ý thì em sử dụng dấu chấm.

- Gợi ý: “Đầu năm học mới, Huệ nhận được quà của bố. Đó là một chiếc cặp rất xinh. Cặp có quai đeo. Hôm khai giảng, ai cũng phải nhìn Huệ với chiếc cặp mới. Huệ thầm hứa học chăm, học giỏi cho bố vui lòng”.

 

TIẾT 3

1. Kiểm tra tập đọc (thực hiện như tiết 1, tiết 2)

2. Thi tìm nhanh một sô' bài tập đọc trong sách Tiếng Việt 2, tập một theo mục lục.

- Hướng dẫn: Em lật trang cuối phần “Mục lục” đọc nhiều lần thì sẽ thành thạo trong kĩ năng nhận biết.

3. Nghe viết: (viết vài ba lần đoạn văn trong sách giáo khoa bằng cách học nhóm: bạn đọc, em viết, em đọc, bạn viết).

 

TIẾT 4

1. Kiểm tra đọc (thực hiện như 3 tiết trước)

2. Đoạn văn sau có 8 từ chỉ hoạt động, em hãy tìm 8 từ ấy.

- Hướng dẫn: Em đọc từ từ đoạn văn đã cho, tìm xem những từ nào thể hiện hoạt động của bác Mèo Mướp, chú Gà trống thì em gạch dưới, rồi đối chiếu với gợi ý sau.

- Gợi ý: Đó là những từ: “nằm, lim dim, kêu, chạy, vươn, đang, vỗ, gáy”.

3. Đoạn văn ở bài tập 2 (Đoạn văn trên) có những dấu câu nào?

- Hướng dẫn: Em đọc lại đoạn văn, tìm xem có bao nhiêu loại dấu câu được sử dụng, em ghi ra tập.

- Gợi ý: Có các loại dấu câu: dấy phẩy, dấu chấm, dấu hai chấm, dấu chấm cảm, dấu châm lửng (dâu 3 chấm), dấu ngoặc kép (có 6 loại dấu câu).

4. Trên đường, chú công an gặp một em nhỏ đang khóc. Chú hỏi:

- Vì sao cháu khóc?

Em nhỏ trả lời:

- Cháu không tìm thấy mẹ.

Nếu em là chú công an, em sẽ hỏi thêm những gì để đưa em nhỏ về nhà?

- Hướng dẫn: Trong trường hợp trên, em sẽ hỏi thêm: “Em tên là gì nói cho chị (anh) biết. Nhà em ở đâu? Bố, mẹ tên gì? Chị (anh) sẽ đưa em về nhà nhé!

 

TIẾT 5

1. Kiểm tra đọc (thực hiện như các tiết trước).

2. Tìm từ chỉ hoạt động trong mỗi tranh. Đặt câu với từ đó.

- Hướng dẫn: Em nhìn vào từng bức tranh, em thấy tranh vẽ gì, các bạn đang làm gì? Dùng từ chỉ các hoạt động ấy rồi đặt câu.

- Gợi ý:

- Bức tranh 1: Hai bạn đang tập thể dục.

- Bức tranh 2: Hai anh em đang tập vẽ tranh.

- Bức tranh 3: Một bạn trai đang làm bài tập.

- Bức tranh 4: Bạn gái đang cho gà ăn.

- Bức tranh 5: Bạn gái đang quét nhà.

3. Ghi lại lời của em:

a) Mời cô hiệu trưởng đến dự buổi họp mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 ở lớp em.

b) Nhờ bạn khênh giúp cái ghế.

c) Đề nghị các bạn ở lại họp Sao Nhi Đồng.

- Gợi ý: em có thể nói:

* Câu a: Thưa cô, nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam lớp 2A chúng em có tổ chức một buổi liên hoan văn nghệ vào lúc 7 giờ ngày 19 tháng 11 tại phòng học của lớp. Thay mặt lớp, em kính mời cô đến dự ạ!

* Câu b: - Bạn ơi, khiêng hộ mình cái ghế.

* Câu c: - Đề nghị các bạn ở lại họp Sao Nhi Đồng!

Hoặc: Mời tất cả các bạn ở lại họp Sao Nhi Đồng!

 

TIẾT 6

1. Kiểm tra học thuộc lòng (đọc lại tất cả các bài HTL đã học).

2. Kể chuyện theo tranh, rồi đặt tên cho câu chuyện.

- Hướng dẫn: Em lần lượt quan sát từng bức tranh, nắm được nội dung từng bức tranh rồi dùng ngôn ngữ của mình diễn đạt thành lời. Sau đó kết nối những nội dung đó lại thành một câu chuyện ngắn. Đặt tên cho câu chuyện.

- Gợi ý: Em có thể nêu nội dung những bức tranh như sau:

* Bức tranh 1: Có một bà cụ tóc bạc, lưng còng đang chống một cái gậy trúc đứng tần ngần bên hè phố. Bà nhìn phải, nhìn trái chờ cho ngớt xe cộ để qua đường. Nhưng lòng đường xe cộ vẫn nối đuôi nhau chạy.

* Bức tranh 2: Trong lúc ấy thì có một cậu học sinh xuất hiện. Cậu đến gần bà cụ lễ phép hỏi:

- Bà ơi, bà đi đâu ạ?

- Bà muốn sang bên kia đường mà xe cộ cứ chạy vùn vụt, bà sợ quá, nên phải chờ cho xe ngớt đi đã. Bà đứng đây đã lâu lắm rồi!

- Vậy thì để cháu đưa bà sang đường nhé!

- Ừ, thế là tốt quá! Bà cảm ơn cháu!

* Bức tranh 3: Cậu học trò liền cầm tay bà cụ cẩn thận đưa bà sang đường một cách an toàn.

(Em liên kết nội dung ba bức tranh lại thành một câu chuyện)

* Từ nội dung trên em có thể đặt tên câu chuyện là: “Một cử chỉ đẹp”. Hoặc “Cậu bé tốt bụng” hay “Thật là quý”, v.v...

3. Em đến nhà bạn để báo cho bạn đi dự tết Trung thu nhưng cả gia đình bạn đi vắng. Hãy viết lại lời nhắn tin cho bạn.

- Gợi ý: Em có thể nhắn tin như sau:

“Diệu Linh ơi! Mình có đến nhà nhưng không gặp ai cả. Tối mai, đúng 7 giờ tại sân trường, Diệu Linh đến dự tết Trung thu nhé. Hẹn gặp lại.

Thảo Vy

TIẾT 7

1. Kiểm tra học thuộc lòng (Đọc lại các bài học thuộc lòng trong chương trình).

2. Tìm các từ chỉ đặc điểm của người và vật trong những câu sau:

a) Càng về sáng, tiết trời càng giá lạnh.

b) Mấy bông hoa vàng tươi như những đốm nắng đã nở sáng trưng trên giàn mướp xanh mát.

c) Chỉ ba tháng sau, nhờ siêng năng, cần cù, Bắc đã đứng đầu lớp.

3. Cô giáo (thầy giáo) lớp 1 của em đã chuyển sang dạy ở một trường khác Nhân Nhà giáo Việt Nam 20-11, em hãy viết bưu thiếp chúc mừng.

- Gợi ý: Em có thể viết nội dung bưu thiếp như sau Thưa cô kính mến!

Nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, em kính chúc cô và gia đình luôn mạnh khỏe và hạnh phúc.

Học trò cũ của cô

Hồng Loan   

TIẾT 8

1. Kiểm tra học thuộc lòng (học thuộc các bài HTL trong chương trình).

2. Nói lời đáp của em:

a) Khi bà bảo em giúp bà xâu kim.

b) Khi chị bảo em giúp chị nhặt rau nhưng em chưa làm bài xong.

c) Khi một bạn ở lớp nhờ em giúp bạn làm trong giờ kiểm tra.

d) Khi bạn mượn em cái gọt bút chì.

- Hướng dẫn: Em lần lượt đọc và thực hiện yêu cầu từng câu một

a) Em có thể nói lời đáp như sau:

+ Dạ! Cháu làm ngay đây ạ!

+ Vâng!

+ Bà để đấy, cháu đến giúp bà ngay ạ!

b) Em có thể nói lời đáp như sau:

+ Chị chờ em một chút, làm xong bài này, em sẽ giúp chị ngay, chị nhé!

+ Chị ơi, em còn hai bài tập nữa, làm xong em sẽ giúp chị.

c) Em có thể nói với bạn như thế này:

+ Làm bài ở nhà, mình có thể giúp bạn được, còn bây giờ là kiểm tra, bạn thông cảm cho mình.

+ Mình không thể giúp bạn trong lúc này. Thông cảm cho mình.

d) Em có thể nói với bạn như sau:

+ Vâng! Bạn cầm lấy!

+ Chờ mình một lát, mình sẽ đưa cho bạn ngay.

+ Cái gọt bút chì của mình không được bén lắm, cậu dùng tạm vậy.

3. Viết khoảng 5 câu nói về một bạn lớp em

“Yến Ngọc học với em một lớp. Nhà lại ở gần nhau nên chúng em càng thân nhau hơn. Yến Ngọc học giỏi, hát hay, tính tình thùy mị, dễ gần gũi. Cả lớp em ai cũng mến Ngọc, quý Ngọc. Bố em thường nói: “Chú Giảng có đứa con ngoan thật!”

 

 

TIẾT 9: BÀI LUYỆN TẬP

1. Đọc thầm mẩu chuyện: “Cò và Vạc”

* Chú giải:

+ Cò: chim có chân cao, cổ dài, mỏ nhọn thường sống ở gần nước và ăn các động vật ở nước (cá, tép, ...)

+ Vạc: chim có chân cao, cùng họ với diệc, cò; thường đi ăn đêm kêu rất to.

2. Dựa theo nội dung bài đọc, chọn ý đúng bằng cách ghi dấu ( x ) trong các câu trả lời dưới đây:

2-1. Cò là một học sinh như thế nào?

a) Yêu trường yêu lớp ( )

b) Chăm làm ( )

c) Ngoan ngoãn chăm chỉ ( x )

2-2. Vạc có điểm gì khác Cò?

a) Học kém nhât lớp ( )

b) Không chịu học hành ( x )

c) Hay đi chơi ( )

2-3. Vì sao ban đêm Vạc mới bay đi kiếm ăn?

a) Vì lười biếng ( )

b) Vì không muốn học ( )

c) Vì xấu hổ  ( x )

2-4. Những cặp từ nào dưới đây là cặp từ ngữ cùng nghĩa:

a) Chăm chỉ - siêng năng ( x )

b) Chăm chỉ - ngoan ngoãn ( )

c) Thầy yêu - bạn mến  ( )

2-5. Câu “Cò ngoan ngoãn được cấu tạo theo mẫu nào trong ba mẫu dưới đây:”

a) Mẫu 1: Ai là gì?  ( )

b) Mẫu 2: Ai làm gì?  ( )

c) Mẫu 3: Ai thế nào? ( x )

 

 

TIẾT 10: BÀI LUYỆN TẬP

1. Nghe viết: “Đàn gà mới nở”

- Hướng dẫn: Để luyện nghe và viết tốt, em hãy rủ bạn học nhóm, thay phiên nhau người đọc, người viết vài ba lần.

2. Tập làm văn

2-1. Dựa vào nội dung bài chính tả “Đàn gà mới nở” trả lời câu hỏi:

a) Những chú gà con trông như thế nào?

- Gợi ý: Những chú gà con trông như “những hòn tơ nhỏ”

b) Đàn gà con chạy như thế nào?

- Gợi ý: Đàn gà con “Chạy như lăn tròn”.

2-2. Hãy viết từ 1 đến 3 câu trên tấm bưu thiếp chúc mừng bạn em nhân dịp sinh nhật bạn.

- Gợi ý: Em có thể viết:

Chúc bạn sinh nhật vui vẻ.

Chúc sinh nhật bạn với vô vàn niềm vui.

Bạn hiền sinh nhật vui vẻ.