Phân tích bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten

Thứ ba , 04/10/2016, 12:02 GMT+7
     

Đề bài: Phân tích - Bình luận về bài Chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của La Phông-ten của H. Ten.

Bài làm

Trước hai con vật: cừu và sói, có thể có hai cách nhìn khác nhau : cái nhìn của khoa học và cái nhìn của văn chương, dù cả hai đều đúng. Viết vể hai cách nhìn ấy, H. Ten có một thao tác tư duy cơ bản: thao tác so sánh, một phương pháp suy luận : phương pháp quy nạp. Cả hai yếu tố về tư duy và phương pháp tạo nên một phong cách phê bình mà ta thường gọi là nghị luận văn chương tuy giản dị nhưng sinh động và đầy sức thuyết phục. Từ một bài viết không dài, chúng ta dễ dàng nhận ra những đặc điểm của sáng tác văn chương và nghị luận văn chương (còn gọi là phê bình văn chương).

chó sói và cừu trong thơ ngụ ngôn của la phông ten

1. Về sáng tác văn chương.

Để hiểu được đặc điểm của sáng tác văn chương, H. Ten đã sử dụng thao tác tư duy so sánh, đối chiếu hai cách nhìn khác nhau về cùng một đối tượng. Cũng chỉ là con cừu và con sói đó thôi mà có đến hai cách miêu tả, một thiên về lí tính, một thiên về cảm tính. Cách nhìn lí tính nặng về quan sát khách quan, từ đó rút ra những đặc điểm riêng chỉ loài sói và cừu mới có. Còn cách nhìn cảm tính có phần chủ quan, từ những rung động thầm kín bên trong mà nhìn ra con vật với những buồn vui thân phận của con người. Có thể nói khác đi và gọn hơn : cách nhìn của khoa học là cái nhìn phân loại (con vật này khác con vật kia), còn cách nhìn của văn chương là cách nhìn nhân văn (có sự cảm thông giữa con người với con vật). Hai cách nhìn ấy không hoàn toàn giống nhau.

a) Với con cừu, Buy-phông, nhà sinh học nổi tiếng đã phát hiện ra những đặc trưng có tính chất phân loại : ưa lối sống bầy đàn, trí tuệ chậm chạp đến đần độn, không có khả năng thích ứng với xung quanh (môi trường sống), phản ứng bản năng theo lối bắt chước. Ý thức tự vệ dường như mọi loại động vật đều có, nhưng với loài cừu thì không... Từ những đặc điểm được miêu tả như trên, người ta dễ dàng gọi tên được giống loài của nó, một giống loài chỉ quen được chăn dắt, hoàn toàn phụ thuộc và bị động ở sự chăn dắt đó mà thôi. Khác với cái nhìn của nhà khoa học, La Phông-ten, một nhà thơ có một cái nhìn khác: cừu là một loài vật buồn rầu và tốt bụng. Hơn thế nữa, nổi bật hơn, giống với con người, cừu có tình mẫu tử. Chỉ có điều, tình mẫu tử ở đây vừa giống con người, vừa khác con người. Giống con người ở sự phân biệt con nó với đám đông, còn khác con người là ở chỗ nó không quan tâm đến hoàn cảnh xung quanh với thái độ thờ ơ, cam chịu. Chỉ với một câu văn miêu tả mà người đọc có thể xúc động thấm thìa đến nao lòng: "Thật cảm động thấy con cừu mẹ chạy tới khi nghe tiếng kêu rên của con nó, nhận ra con trong cả đám đông cừu kia, rồi đứng yên trên nền đất lạnh và bùn lầy, vẻ nhẫn nhục, mắt nhìn lơ đãng phía trước, cho đến khi con đã bú xong". Đó là câu văn đụng đến lòng trắc ẩn ở con người.

b) Với con sói, hai cách nhìn cũng rất khác nhau. Vẫn là cách nhìn của một nhà khoa học, Buy-phông có công là đã phát hiện ra những đặc điểm giống loài của nó: có khả năng tự vệ nhưng thích sống cô đơn (về bản chất, nó rất khác con người), từ hình dáng bên ngoài đến tính cách bên trong có một cái gì thật là dáng ghét: lấm lét, hoang dã, tiếng hú, mùi hôi... Còn với tư cách một nhà thơ, La Phông-ten cảm nhận được một cái gì thật đáng thương ở nó. Những cái đáng thương này kết hợp với những cái đáng ghét tạo nên một nghịch lí oái oăm đầy mâu thuẫn ớ một loài vật là "bạo chúa của cừu". Đành rằng sói là một loài trộm cướp, nhưng là những tên trộm cướp "khốn khổ và bất hạnh", một gã vô lại luôn luôn đói dài và luôn luôn bị ăn đòn... Cái nhìn của nhà thơ là một cái nhìn thương cảm. Làm sao mà không mủi lòng khi con sói hiện ra với bộ mặt lấm lét, cơ thể gầy giơ xương, luôn bị truy đuổi, một loài vật hoang dã vừa là thủ phạm lại vừa là nạn nhân của cuộc sống khốn cùng ?

Vậy nguyên tắc lí luận có thể rút ra từ hai cách nhìn trên đây là gì ? Nếu khoa học phát hiện ra những đặc điểm sinh học có tính chất bản năng, lấy phẩm chất người và lợi ích đối với con người làm tiêu chí để nhìn nhận loài vật nói riêng (và sinh vật nói chung) thì sáng tác văn chương từ những rung động của con người mà xây dựng, tạo ra những hình tượng về loài vật. Chính vì vậy, hình tượng trong sáng tác văn chương luôn mang tính đa nghĩa nhờ vào những tư tưởng không đơn điệu, một chiều. Sự sinh động, hàm súc cũng từ đó mà ra.

2. Về nghị luận văn chương.

Có thể xem đây là một bài nghị luận văn chương mẫu mực. Trước hết, xét về mặt kết cấu, bài văn chia làm hai phần. Ở phần thứ nhất, đó là cách nhìn khác nhau của khoa học và văn chương về cùng đối tượng : sói và cừu. Còn ở phẩn thứ hai : cái nhìn nhân bản của vãn chương làm đa dạng và phong phú hơn cho cái nhìn của những nhà khoa học. Về kết cấu, như thế là rất chặt chẽ theo phương pháp quy nạp, từ cụ thể đến khái quát, từ hiện tượng đến quy luật. Trong một bài văn, để đảm bảo tính nguyên khối, không thể không nói đến vai trò của việc chuyển ý, chuyển đoạn. Nhưng chuyển ý, chuyển đoạn nếu thực hiện máy móc thì hiệu quả không cao. Muốn vậy, nó phải sinh động, không cứng nhắc, máy móc. Ở đây H. Ten đã có một nhịp điệu ngôn từ uyển chuyển. Viết về con cừu, tác giả nêu ý kiến của Buy-phồng trước, La Phông-ten sau, còn khi viết về con sói, tác giả đã đảo ngược vị trí của nhà khoa học và nhà thi sĩ cho nhau. Mạch ý của đoạn văn do đó không những không mất đi sự liên tục mà ngược lại, nó được nhấn mạnh và tạo hứng thú cho người đọc, người nghe. Sau khi viết về cái nhìn của nhà thơ về con cừu đáng thương, câu chuyển ý về con sói thật tài tình : "Còn chó sói, bạo chúa của cừu, trong thơ ngụ ngôn La Phông-ten, cũng đáng thương chẳng kém". Còn cách trình bày luận điểm, khi miêu tả từng con vật, tác giả H. Ten dùng biện pháp đối lập và nâng cấp, chỉ có điều biện pháp đối lập trong văn nghị luận thường nhằm mục đích bác bỏ, còn ở trong bài văn đang phân tích, nó làm nhiệm vụ điều chỉnh, bổ sung. Chẳng hạn, khi viết về cái nhìn của Buy-phông, H. Ten viết : "Mọi chuyện ấy đều đúng, nhưng các con vật đó còn thân thương và tốt bụng nữa". Còn cách nâng cấp cũng rất tự nhiên, chẳng hạn nói về tính cách của loài sói : "Chó sói thù ghét mọi sự kết bè kết bạn, thậm chí ngay cả với đồng loại chó sói của nó", về ngôn ngữ, để diễn đạt một chân lí, ngôn ngữ của bài văn trong sáng giản dị, không có một câu nào rơi vào tình trạng hoa mĩ, cầu kì. Do đó sức thuyết phục của nó khá cao. Những khái niệm sách vở phức tạp nặng nề đã trở nên dễ hiểu. Tuy vậy, đạt đến sự dễ hiểu này, người viết đã suy ngẫm về vấn đề cần viết rất sâu và rất lâu. Không chỉ thế, do yêu cầu của mỗi đơn vị (luận điểm) của bài văn khác nhau, ngôn ngữ cũng không giống nhau. Ví dụ những câu cuối cùng nhằm thâu tóm, đúc kết ý tướng của toàn bài, ngôn ngữ không còn là tường thuật, miêu tả, nó phải là một sự "đóng đinh" trong nhận thức của người đọc, người nghe. Trong trường hợp này, sự so sánh phải mang dến những ấn tượng không thể nào quên về đặc điểm của sáng tạo văn chương : "Ông để cho Buy-phông dựng một vở bi kịch về sự độc ác, còn ông (La Phỏng-ten) dựng một vở hài kịch về sự ngu ngốc". 

Nghị luận văn chương tuy là một thể loại nghiên cứu, phê bình nhưng đối tượng của kiểu bài rất rộng. Ở trường hợp bài văn này, nó là một vấn đề lí luận có sức khái quát cao. Tuy nhiên, trình bày sáng tỏ, rõ ràng như thế bằng bố cục, cách chứng minh, một giọng điệu gần gũi, nhẹ nhàng như thế, tác giả đã thành công. Bài văn đã là một mẫu mực.

phan tich bai cho soi va cuu trong tho ngu ngon cua la phong ten cho soi va cuu trong tho ngu ngon