Phân tích bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan

Chủ nhật , 20/11/2016, 09:47 GMT+7
     

Đề bài: Phân tích bài thơ Qua đèo Ngang của Bà Huyện Thanh Quan.

Bài làm

Bà Huyện Thanh Quan là người học rộng, có lần được vua Minh Mạng (có sách ghi là vua Tự Đức) mời vào kinh đô giữ chức Cung trung giáo tập, một chức nữ quan dạy học cho các cung nữ. Bà là người Bắc, sinh ra, lớn lên và lấy chồng ở Bắc. Bài thơ Qua đèo Ngang được bà sáng tác trên đường vào kinh đô Huế nhậm chức. Ngoài bài Qua đèo Ngang, các bài thơ khác của bà, như bài Chiều hôm nhớ nhà: “Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn”. Hoặc bài Tức cảnh mùa thu: “Thánh thót tàu tiêu mấy giọt mưa..” đều có tình điệu và âm điệu buồn, hẳn là được làm trong khung cảnh xa nhà và trong tâm trạng cô đơn. Có những câu thơ dường như gợi lên thời gian, không gian của thiên nhiên và đô thành Huế ngày xa:

Tiếng ốc xa đưa vẳng trống dồn Gác mái ngư ông về viễn phố...

         Xanh um cổ thụ tròn xoe tán 

         Trắng xóa tràng giang phẳng lặng tờ...

Tuy lời thơ không nói rõ nhưng dường như tòa thành cổ và con sông Hương đã mơ hồ hiện lên trong tưởng tượng của người đọc thơ. Có thể nghĩ rằng đó là những bài thơ được làm ra trong thời gian bà vào làm quan ở Huế, sống xa nhà, xa quê. So với hai bài thơ vừa kể thì trong bài Qua đèo Ngang dù sao nỗi buồn cũng có vẻ nhẹ nhàng, êm dịu hơn. Có lẽ ở đây nỗi buồn xa quê cũng đang còn mới, chưa lấn lướt hoàn toàn được niềm vui trước cảnh lạ.

phan tich qua deo ngang

Bài thơ gồm tám câu, mỗi câu bảy chữ, cực kì ngắn gọn, cô đúc, tưởng như một bức tranh chạm không một nét thừa. Tuy nhiên, ta sẽ không hiểu được bài thơ nếu ta quên con người cùng với cảm quan và cảm xúc của con người trong đó. Con người đó chính là tác giả.

Chúng ta hãy theo chân nhà thơ:

         Bước tới đèo Ngang, bóng xế tà

Khi ta cùng nhà thơ bước tới đèo Ngang thì trời đã ngả sang chiều. Trời chiều bảng lảng bóng hoàng hôn ở bên này bên kia đỉnh đèo. Người phụ nữ đài các này chắc hẳn không phải đi bộ qua đèo Ngang. Thời ấy, đường xá còn chật hẹp, trắc trở và cũng chưa có những phương tiện giao thông vận tải thuận tiện như ngày nay. Đề có thể hình dung bà Huyện Thanh Quan đi Qua Đèo Ngang như thế nào, xin hãy đọc những câu thơ sau đây trong bài Chiếc cáng điều của Lưu Trọng Lư, một nhà thơ quê ở Quảng Bình gần đèo Ngang, tuổi nhỏ có cha mẹ là ông huyện, bà huyện:

         Lững thững sườn non chiếc cáng điều

         Ngàn cây còn đắm mộng thương yêu

         Lỏng buông mái tóc sau diềm võng 

         Tiếng ngọc, mùi hương lẫn gió chiều...

         Những anh phu cáng do từng bước 

         Tỉ tê cùng kể chuyện hoang đường 

         Mở diềm thiếu nữ tưng bừng ngắm

         Truông núi muôn chim gọi rộn rang...

Bà Huyện đi qua đèo có lẽ cũng trên một chiếc cáng điều và trong một buổi chiều như thế. Cũng như người thiếu nữ trong bài thơ của Lưu Trọng Lư, bà Huyện hẳn cũng qua hai cánh điềm mở hé (một thứ rèm ngắn che hai bên võng cáng, bên dưới mui cáng), nhìn ra phong cảnh đèo Ngang dưới bóng chiều. Thoạt tiên là một toàn cảnh:

         Cỏ cây chen đá, lá chen hoa.

Hẳn đây là một buổi chiều tạnh ráo, nắng đẹp, trời trong (bóng xế tà). Và trong phong cảnh thiên nhiên, có cỏ cây, hoa lá đã đành, song còn đá, những vách đá, những tảng đá, những núi đá, và tất cả chen vào nhau, rõ ràng đây là phong cảnh hoang vu của một miền sơn cước, tuy hoang vu nhưng vẫn mang vẻ đẹp hài hòa của một chốn thiên nhiên dường như không phải hoàn toàn xa cách với cuộc sống con người. Quả vậy, ta hãy nhìn theo hướng mắt của nhà thơ:

         Lom khom dưới núi, tiều vài chú,

         Lác đác bên sông, chợ mấy nhà...

Chỉ lom khom, lác đác thế thôi, song bóng dáng mấy người kiếm củi dưới núi và bóng dáng mấy ngôi lều chợ bên sông (có bản chép “rợ mấy nhà”, tức là nhà của đồng bào thiểu số vùng đó) cũng đã làm cho phong cảnh thiên nhiên đỡ hiu quạnh và thêm ấm áp sự sông, tình người. Đó là chưa kể con đường mòn băng qua dèo, trên đó thường xuyên có khách bộ hành qua lại, ra Bắc vào Nam, cho dù không được tấp nập như ngày nay, song khung cảnh thiên nhiên và sinh thái thời ấy cũng đã sầm uất, xanh tươi hơn bây giờ, vì chưa bị bàn tay con người tàn phá. Dù sao thì phong cảnh cũng lặng lẽ, hoang vắng quá. Tuy có dấu vết cuộc sống con người song vẫn còn thưa thớt, chưa đủ làm rộn vui, nồng ấm lên cả một vùng thiên nhiên cảnh vật bạt ngàn.

Hai câu thơ tiếp theo tiếp tục diễn tả khung cảnh ở đèo Ngang vào buổi chiều tà:

         Nhớ nước đau lòng, con quốc quốc,

         Thương nhà mỏi miệng, cái gia gia.

Đây là cảnh sắc, là âm thanh có thực, phải có trải qua mới cảm nhận được và mới diễn tả được thành thơ. Hai câu trên là cảnh sắc hoang vu. Những chữ “lom khom”, “lác đác” cùng với cách đảo ngữ “tiều vài chú”, “chợ mấy nhà” càng làm cho không khí hoang vu thêm. Hai câu dưới là âm thanh hoang vu. Tiếng chim quốc quốc kêu trong bụi rậm, tiếng chim đa đa kêu nơi lùm cây. Ai đã từng nghe hai loại chim này kêu thì có thể biết rằng đây là tiếng kêu của loài chim thường sống nơi thiên nhiên hoang dã. Người ta thường nghe thấy tiếng chim quốc mà không thấy bóng của nó, vì nó thường ẩn trong bụi rậm, không bao giờ lộ hình ra, chỉ kêu liên tục khắc khoải nghe đến sôt cả ruột, còn chim đa đa thì thỉnh thoảng mới kêu lên mấy tiếng, thường là vừa kêu vừa bay, ta thường có thể thấy bóng dáng nó bay theo cùng với tiếng kêu, từ lùm cây này sang lùm cây khác, tiếng kêu tuy gián đoạn từng chặp mà vẫn liên tục không ngừng. Truyền thuyết ngày xưa cho rằng hai giông chim này là hậu thân của những người mất nước. Tiền thân của con chim quốc (hay còn gọi là chim đỗ quyên) là vua nước Thục, vồn bị mất nước nên khi chết hóa thành chim ngày đêm kêu quốc quốc để tỏ lòng nhớ nước, kêu liên tục cho đến khi đứt họng, vỡ tim mà chết. Còn chim đa đa thì tiền thân là hai ông Bá Di, Thúc Tề sau khi không ngăn được vua nhà Chu cướp nước của nhà Thương, bèn rủ nhau lên núi không chịu ăn lúa gạo của nhà Chu, sau đó chết đói hóa thành con chim cứ luôn miệng kêu “bất thực cốc Chu gia” nghĩa là không ăn gạo nhà Chu. Nhiều nơi dân gian gọi là chim “bắt tép kho cà”. Hai câu thơ của bà Huyệr Thanh Quan không chí tả âm thanh (tiếng chim) mà còn tả cảm xúc (nỗi lòng). Đó là nỗi lòng thương nhà, nhớ nước. Nhiều nhà nghiên cứu văn chương trước đây thường viện dẫn hai câu thơ này liên hệ với bài Thăng Long hoài cố để nói rằng tác giả có tâm sự hoài Lê, tức là tiếc nhớ nhà Lê trong thế kí XIX đã bị triều đại nhà Nguyễn thay thế. Nói như vậy kể cũng có phần suy nghĩ hơi xa. Quả thực Bà Huyện Thanh Quan là nhà thơ đa cảm và hay nhớ thương, nuối tiếc quá khứ. Nhưng đó phải chăng chỉ là tình cảm thường tình của con người, của nhà thư trước những biến động của thời gian, của thiên nhiên, của cuộc sống. Trong bài thơ này cũng vậy. Cảm xúc nhớ nước, thương nhà do tiếng kêu của hai con chim có tiếng kêu gần với tiếng nước, tiếng nhà thơ gợi ra và phải chăng niềm nhớ nước nỗi thương nhà ở đây chỉ là niềm thương nỗi nhớ quê nhà ở phía Bắc mà bà vừa từ biệt để ra đi? Dù sao thì đây là hai câu thơ vừa tả cảnh, vừa tả tình, vừa hàm súc, vừa phong phú làm chúng ta nhớ đến những câu thơ cũng của bà trong bài Thăng Long hoài cổ và những bài thơ khác.

Cao điểm của bài thơ là hai câu cuối:

         Dừng chân đứng lại, trời, non, nước,

         Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Cao điểm thiên nhiên và cao điếm tình cảm. Với câu bảy, nhà thơ đã lên tới đỉnh đèo. Khi “dừng chân đứng lại”, trước mắt nhà thơ đã mở ra một không gian mênh mông bao gồm cả trời, cả non, cả nước. Đèo Ngang cũng như đèo Mây, đèo Cả là một nhánh lớn của dãy Trường Sơn hùng vĩ khi chạy dọc theo miền Trung đất nước ta, thỉnh thoảng vươn ra sát mặt biển, ngăn dải đất hẹp miền Trung thành từng ô đất đồng bằng và ven biển dài ngắn khác nhau. Thường đứng trên đỉnh đèo, người ngắm cảnh có thể thu vào tầm mắt một khung cảnh bao la trên trời, dưới bể, giữa núi non, cây cỏ, liên kết các loại màu xanh ấy thành một bức tranh tuyệt diệu.

Trước khung cảnh thiên nhiên bao la ấy, con người dường như bé nhỏ, cô đơn. Tuy vậy không gì phong phú, sâu sắc bằng thế giới bên trong của con người đó, một khi con người đối diện với thiên nhiên, đồng thời cũng là mình đối diện với chính mình:

         Một mảnh tình riêng, ta với ta.

Con người tưởng như nhỏ bé, cô đơn trước thiên nhiên hóa ra thật cao cả, vĩ đại, bao trùm lên cả thiên nhiên bằng tầm mắt và tấm lòng của mình.

Với hai câu cuối bài, nhà thơ vừa như mang tầm vĩ mô cực lớn, ngang tầm trời biển, núi non, đồng thời mang chiều vi mô cực sâu, với mảnh tình u ẩn, riêng tư chỉ có riêng mình chỉ biết với mình.

Bài thơ Qua đèo Ngang quả là một bài thơ tả cảnh, tả tình cực hay. Cảnh vừa phong phú, đa dạng, vừa bao la, rộng lớn, đúng là bức tranh non nước, biển trời hùng vĩ, mĩ lệ của Tổ quốc. Tình vừa kín đáo, sâu sắc, vừa chứa chan, dồi dào: tình yêu thiên nhiên, tình yêu con người, sự sống, tình yêu nhà, tình yêu nước. Với ý nghĩa rộng lớn, bài thơ là một tiếng ca về cảnh đẹp Tổ quốc, về tình yêu Tổ quô'c.

Thơ của Bà Huyện Thanh Quan, trong bài này cũng như ở các bài khác, có đặc điểm là giản dị mà thanh tao, tự nhiên mà hàm súc, lời thì hữu hạn mà ý chí vô cùng. Ngôn ngữ thơ trong trẻo, du dương, có màu sắc, ánh sáng, lại có âm thanh nhịp điệu, tứ thơ đi từ bề rộng lên tầm cao rồi lắng về chiều sâu. Hai câu thơ cuối vừa mở ra tầm cao rộng của trời biển, nước non, của thiên nhiên, vừa đi vào chiều sâu tâm hồn, tình cảm con người.

Qua đèo Ngang có thể xem là một tuyệt tác của thơ cổ điển Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, nó được truyền tụng không dứt và chắc nó sẽ còn được lưu truyền mãi mãi.

GS Trần Thanh Đạm