Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (bài hay)

Thứ tư , 29/07/2015, 20:49 GMT+7
     

Đề bài: Phân tích đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích trong Truyện Kiều của Nguyễn Du

Bài làm 

Thúy Kiều bán mình cho Mã Giám Sinh để chuộc cha thì lại rơi vào cạm bẫy của Tú Bà. Nàng đau khổ, tuyệt vọng và tìm cách trốn thoát, nhưng không thể thoát khỏi nanh vuốt của Tú Bà. Vì thương cha, thương em mà nàng cam chịu cuộc sống bất hạnh trong lầu xanh của Tú Bà. “Vui là vui gượng kẻo mà, ai tri âm đó mặn mà với ai’’.

Đoạn thơ “Kiều ở lầu Ngưng Bích’’ diễn tả tâm trạng thương nhớ của nàng đối với những người thân yêu ruột thịt và nỗi cô đơn của nàng trong đêm trăng trước lầu Ngưng Bích.

Tuổi xuân của nàng đã bị khóa chặt trong lầu Ngưng Bích. Dưới trăng, nàng nhìn thấy cảnh vật mà lòng thêm tan nát :

Trước lầu Ngưng Bích khóa xuân

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn cọ, bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.

Diễn tả cuộc sống tù túng, mất tự do trong lầu xanh dơ bẩn của Tú Bà, tác giả dùng hai chữ “khóa xuân’’ thật là sâu sắc. Bên ngoài là cuộc sống tự do với thiên nhiên hữu tình :

Vẻ non xa, tấm trăng gần ở chung

Cảnh như một bức tranh diễm tình, huyền ảo, bộc lộ tâm trạng của nàng gắn bó với những gì xa xôi, cách trở. Không gian mở ra “bên bờ bát ngát’’, đầy màu sắc “cát vàng cồn nọ, bụi hồng dặm kia’’ nhìn cảnh vật tươi đẹp nàng cảm thấy “bẽ bàng’’ lòng càng tan nát.

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình, nửa cảnh như chia tấm lòng.

Ngồi một mình thổn thức dưới trăng, nàng tưởng nhớ đến những người thân yêu, ruột thịt. Trước tiên là nàng nhớ đến Kim Trọng, người tình xưa đã từng thề nguyền dưới trăng :

Tưởng người dưới nguyệt chén đông

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Hình ảnh này gợi nhớ lại kỉ niệm giữa nàng và Kim Trọng thề nguyền dưới trăng :

Vầng trăng vằng vặc giữa trời

Đinh ninh hai miện một lời song song.

Chàng Kim Trọng có biết đâu người yêu của mình bây giờ lưu lạc ở góc biển chân trời :

Bên trời góc biển bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai.

Tình cảm sâu lắng trong lòng nàng còn là nỗi nhớ cha mẹ. Người mẹ già tựa cửa chờ mong nàng cảm động biết bao :

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh những ai đó giờ

Nàng lo lắng không ai săn sóc mẹ già, trời nóng ai quạt cho mẹ, trời lạnh ai “ấp lạnh’’ những đêm đông.

Cha thì cũng đã già rồi biết ai người săn sóc.

Một lần nữa ta lại thấy Thúy Kiều là một người con gái có tình, có hiếu. Một con người như vậy mà rơi vào cảnh bất hạnh thì thật đáng thương.

Thương người tình, thương cha, thương mẹ, rồi nàng lại thương mình. Đây là nỗi buồn của Thúy Kiều trong đêm trăng trước trời bể bao la :

Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa ?

Buồn trong ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu ?

Buồn trông nội cỏ dầu dầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

Điệp ngữ “buồn trông’’ tạo ra nhạc điệu du dương cho đoạn thơ, diễn tả được nỗi buồn trào dâng lên trong lòng Thúy Kiều. Hình ảnh nào cũng mang theo một mảnh tâm trạng của Thúy Kiều. Hình ảnh chiếc thuyền với cánh buồm gợi đến, mơ ước tự do của nàng. Hình ảnh “hoa trôi man mác biết là về đâu’’ gợi đến thân phận bèo giạt hoa trôi của nàng. Hình ảnh “Nội cỏ dầu dầu’’ gợi đến tâm trạng xót xa khi nghĩ đến tấm thân nhàu nát của nàng. Và kinh khủng nhất là hình ảnh cuối cùng của đoạn thơ :

Buồn trông gió cuốn mặt duyềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

Hình ảnh sóng gió của biển cả đã gợi đến sóng gió cuộc đời vùi dập nàng. “Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi’’ là âm thanh dữ dội của sóng bể “trầm luân’’, bể khổ đã vùi dập nàng, cuốn trôi nàng trong dòng đời bất hạnh.

Qua tâm trạng của nhân vật Thúy Kiều trong đêm trăng trước lầu Ngưng Bích, ta hiểu thêm được phẩm chất cao quý của người phụ nữ tài hoa mà bất hạnh. Nàng giàu tình cảm, yêu tha thiết Kim Trọng nhưng lại phải hy sinh tình yêu để giữ tròn chữ hiếu. Ngồi trước lầu Ngưng Bích nàng cảm thấy đau đớn, xót xa như một bông hoa bị vùi dập. Mỗi hình ảnh là một mảnh tâm hồn đau khổ của nàng. Nghệ thuật miêu tả tâm trạng nhân vật thật là sâu sắc. Xưa nay, người đọc vô cùng xúc động trước tâm trạng dày vò, đau khổ của Thúy Kiều trước lầu Ngưng Bích. Người đọc đồng tình, thông cảm với Thúy Kiều và phẫn nộ với xã hội tàn bạo đã chà đạp lên thể xác và tinh thần của người phụ nữ, chà đạp lên mơ ước tự do của con người.

phân tích đoạn trích kiều ở lầu ngưng bích kiều ở lầu ngưng bích nguyên du