Phân tích nghệ thuật trào phúng trong Hạnh phúc của một tang gia của Vũ Trọng Phụng

Thứ tư , 17/06/2015, 09:42 GMT+7
     

Đề bài: Phân tích đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia (trích Số đỏ) để làm rõ nghệ thuật trào phúng đặc sắc của Vũ Trọng Phụng

Hướng dẫn lập dàn ý 

1. Giới thiệu nhà văn Vũ Trọng Phụng, tiểu thuyết Số đỏ và đoạn trích Hạnh phúc của một tang gia.

Hạnh phúc của một tang gia là toàn bộ chương XV của tác phẩm Số đỏ. Nhan đề đầy đủ của chương này là “Hạnh phúc của một tang gia hay niềm vui của những đứa con bất hiếu’’.

2. Thân bài : Phân tích đoạn trích để làm rõ nghệ thuật trào phúng đặc sắc của Vũ Trọng Phụng.

a. Nhan đề đoạn trích.

Ở chương truyện này, mâu thuẫn trào phúng thể hiện nay ở đầu đề của nó. Tang gia mà lại hạnh phúc ! Có người chết mà lại vui như hội ! Đúng là hạnh phúc của một gia đình vô phúc, niềm vui của một lũ con cháu đại bất hiếu. Người ta thường nói “tang gia bối rối’’, tác giả đã dựng nên đúng cái cảnh bối rối của gia đình cụ cố Hồng khi cụ tổ nằm xuống. Chẳng những bối rối mà còn lo lắng nữa và dĩ nhiên là hết sức bận rộn. Nhưng lo lắng, bận rộn để tổ chức cho chu đáo, cho thật linh đình một ngày vui, một đám hội chứ không phải của một đám ma. Như vậy, tiêu đề “Hạnh phúc của một tang gia’’ vừa giật gân, gây chú ý cho người đọc, vừa phản ánh rất đúng một sự thật mỉa mai, hài hước này.

b. Niềm hạnh phúc của tang gia

Niềm vui chung lớn nhất của đại gia đình bất hiếu này là tờ di chúc của cụ cố tổ cuối cùng đã tới lúc được thực hiện. Nghĩa là khi cụ quy tiên thì cái gia tài kếch sù của cụ mới chia cho con và cháu, dâu và rể… Tình huống này đã làm bộc lộ biết bao nhiêu mâu thuẫn trào phúng khác đủ loại và làm đậm nét hàng loạt chân dung hài hước.

Trong niềm vui chung kia, mỗi người lại có một niềm vui riêng không ai giống ai.

- Cụ cố Hồng tuy mới 50 tuổi nhưng lâu nay chỉ mơ ước được gọi là cụ cố. Nay được mặc áo xô gai, lụ khụ chống gậy, vừa ho khạc vừa khóc mếu máo diễn trò già nua ốm yếu giữa phố đông người “để cho thiên hạ phải trầm trồ: úi chà, con giai nhớn đã già đến thế kia kìa!”.

- Văn Minh chồng thì sung sướng vì “cái chúc thư kia sẽ vào thời kì thực hành chứ không còn là lí thuyết viễn vông nữa”.

- Văn Minh vợ và ông Typn, nhà cải cách y phục Âu hóa, thì được dịp lăng-xê những mốt y phục táo bạo nhất “có thể ban cho những ai có tang đương đai đớn vì kẻ chết cũng được hưởng chút ít hạnh phúc ở đời’’.

- Cô Tuyết thì được dịp “mặt bộ y phục Ngây thơ – cái áo voan mỏng, trong có coóc-sê, trông như hở cả nách và nửa vú – nhưng mà viền đen, và đội một cái mũ mấn xinh xinh’’, đồng thời lại có cơ hội để gò lấy gương mặt “hơi có một vẻ buồn lãng mạn rất đúng mốt’’.

- Cậu Tú Tân thì sướng điên được vì được dùng đến cái máy ảnh mới mua.

- Ông Phán mọc sừng thì sung sướng vì không ngờ rằng cái sừng trên đầu mình lại có giá trị đến thế và tất sẽ được trả công xứng đáng. (Bởi lẽ, ông cụ tổ sở dĩ lăng đùng ra và cấm khẩu vì biết tin con rể mọc sừng).

- Xuân Tóc Đỏ thì danh giá và uy tín càng to thêm vì nhớ hắn mà cụ cố tổ chết. (Xuân “có công’’ tố cáo việc ông Phán mọc sừng trước mặt cụ cố tổ).

Hạnh phúc còn lây lan ra cả những người ngoài tang quyến: cảnh sát Min Đơ và Min Toa đang lúc thất nghiệp, được thuê giữ trật tử cho  đám tang (và có như vậy mới có tiền). Xã hội trưởng giả bè bạn Cố Hồng, cô Tuyết, ông bà Văn Minh được dịp khoe các thứ huy chương, phẩm hàm và các thứ râu ria trên mép dưới cằm… và hàng phố thì xem một đám ma to tát chưa từng có “đưa đến đâu làm huyên náo đến đấy’’…

c. Cảnh đưa đám

Đoạn tả đám tang diễn từ nhà cụ cố Hồng ra đến huyệt cũng rất hài hước. Đám ma mà như đám rước vậy. Đủ cả kèn Ta, kèn Tây, kèn Tàu. Hàng trăm câu đối, vòng hoa, bức trướng. Lại thêm “sáu chiếc xe, trên có sư chùa Bà Banh, xe nào cũng che hai lọng’’ và “hai vòng hoa đồ sộ, một của bào Gõ mõ, một của Xuân’’. Người đi đưa đông đúc, sang trọng, nam nữ “chim nhau, cười tình với nhau, bình phẩm nhau, chê bai nhau, ghen tuông nhau: hẹn hò nhau, bằng những vẻ mặt buồn rầu của những người đi đưa ma”.

d. Cảnh hạ huyệt

Ấn tượng nhất là cảnh hạ huyệt. Cậu Tú Tân “bắt bẻ từng người một’’ để cậu chụp ảnh kỉ niệm lúc hạ huyệt và các bạn của cậu “rầm rộ nhảy lên những ngôi mả khác mà chụp để cho ảnh khỏi giống nhau”. Ông Phán mọc sừng thì vờ khóc thảm thiết để lén dúi và tay Xuân “một cái giấy bạc năm đồng gấp tư’’.

Tóm lại, đám tang diễn ra như một tấn đại hài kịch, nói lên sự lố lăng, vô đạo đức của cái xã hội thượng lưu ngày trước.

3. Kết bài.

Bằng nghệ thuật trào phúng sắc bén, qua chương “Hạnh phúc của một tang gia’’, Vũ Trọng Phụng đã phê phán mãnh liệt bản chất bất nhân, giả dối và sự lố lăng, đồi bại của xã hội “thượng lưu’’ ở thành thị những năm trước Cách mạng.