Cảm nhận về truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu

Thứ bảy , 08/10/2016, 15:00 GMT+7
     

Đề bài: Cảm nhận về truyện Bến quê của Nguyễn Minh Châu.

Bài làm

Đặt tên cho truyện ngắn này là Bến quê, điều ấy vừa bình thường, vừa có gì khác thường. Nó bình thường ở chỗ : người ta ai chẳng có một quê hương, để một đời gắn bó, nhất là với người đã từng đi đây đi đó nhiều năm, đã lưu lạc, giang hồ. Còn khác thường là ở chỗ : cái bến quê ấy, cái bãi bồi bên kia sông mà nhân vật Nhĩ hướng về chưa hẳn là nơi chồn rau cắt rốn của anh ? Có lẽ đó là quê hương của những người mà anh nhìn thấy: cả một đám khách đợi đò, quê hương của những người đi bộ hay dắt xe đạp, rõ hơn nữa, trong số ấy có "một vài tốp đàn bà đi chợ về đang ngồi kháo chuyện hoặc xổ tóc ra bắt chấy" đằng kia. Với nhân vật Nhĩ, đây chỉ là một miền tưởng nhớ, một mơ ước xa xôi. Tính biểu tượng của tác phẩm, một đặc điểm nghệ thuật bao trùm của Bến quê không chỉ thấm đẫm trong mọi chi tiết, trong cách dựng truyện, mà trước hết trong việc lựa chọn đề tài. Chính nó tạo nên một cách hiểu đa dạng, những ý nghĩa nhiều tầng của thiên truyện.

1. Hoàn cảnh sống hiện thời của Nhĩ thật đáng thương. Gia đình anh là một gia đình nghèo khó. Mang tiếng là dân thành phố, nhưng nơi anh ở không phải là nhà cao cửa rộng mà chỉ là căn hộ tập thể chật hẹp một phòng, lại ở tận tầng hai. Cái nhìn và cái nhớ dù có vượt thời gian„ không gian đến mấy, nó vẫn tù túng trong cái khuôn viên nhỏ bé ấy thôi. Nhìn vợ bước xuống cầu thang, anh đã xót xa "suốt cả một đời người đàn bà trên những bậc gỗ mòn lõm". Nhớ đến vợ anh thời con gái còn mặc áo nâu, chít khăn mỏ quạ nay đã là một phụ nữ thị thành mà cuộc đời nào có khấm khá gì hơn. Cái nghèo không che giấu được của cả gia đình là chiếc áo vá Liên mặc, điều ấy không khỏi làm Nhĩ ngạc nhiên, buồn bã. Đứa con trai, niềm hi vọng của vợ chồng anh đi học xa, tận một thành phố phía Nam được gọi trở về phải chăng cũng là dấu hiệu không vui? Cái nghèo khó, cái ốm đau từ "tiếng nước rót ra lẫn mùi thuốc bắc bay vào" làm cho cái không gian chật chội kia càng thêm ngột ngạt. Sự thắt ngặt của hoàn cảnh khách quan được thể hiện bằng những dồn nén chủ quan, ngòi bút miêu tả tâm lí của người viết thật là tinh tế. Nó lắng đọng ở chiều sâu. Riêng sức khoẻ của mình, Nhĩ tự biết. Tuy ngày nào cũng uống thuốc, bệnh tình không thuyên giảm, hôm nay "cũng thấy như hôm qua". Nhấc mình ra được bên ngoài tấm nệm đang nằm, Nhĩ cảm thấy như mình "vừa bay được một nửa vòng trái đất". Lạc quan, hi vọng như Liên làm sao được. Anh chỉ còn biết hài hước đùa vui để đêm đêm con người thực của anh thao thức lắng nghe, cái âm thanh mà vợ anh giả vờ không nghe : ấy là cái bờ đất lở phía bên này "cùng với con lũ nguồn đã bắt đầu dồn về, những tảng đất đổ oà vào giấc ngủ". Có lúc Nhĩ thảng thốt giật mình như bấm đốt ngón tay "Hôm nay đã là ngày mấy rồi em nhỉ?". Rõ ràng con người suy kiệt về thể xác nhưng lại tỉnh táo, sáng suốt về tinh thần trong hoàn cảnh ấy rất dễ rơi vào tâm trạng bế tắc, bi quan, hoặc khao khát, chiêm nghiệm về một cái gì lớn lao thuộc về chân lí.

2. Sang được bờ sông bên kia, với Nhĩ vừa là ước mơ vừa là suy ngẫm về cuộc đời. Tính biểu tượng từ "cái bên kia sông" mở ra hai tầng ý nghĩa, trước hết, nó là một ước mơ : con người ta hãy đi đến cái "bên kia sông" của cuộc đời mà mình chưa tới. Hình ảnh con sông Hồng phải chăng là ranh giới giữa cái thực và cái mộng mà chiếc cầu nối là con đò qua lại mỗi ngày chỉ có một chuyến mà thôi. Muốn đến với cái thế giới ước mơ kia đừng có do dự, vòng vèo mà bỏ lỡ. Thế giới của ước mơ chẳng qua chỉ là một vùng nhận thức (tâm thức) trong tượng tưởng của con người. Nó tuyệt đích và hoàn mĩ, nhưng nó chẳng là những gì cụ thể cả. Tuy vậy, nó lại là cái đích mà con người ta phải bôn tẩu, kiếm tìm, vượt qua bao nhiêu gian truân, khổ ải mà chắc gì đã đến được. Vả lại không đạt đến độ chín đó của sự thăng trầm, hoặc quá ngây thơ, người ta không sao hiểu nổi. Chẳng hạn như Tùấn, con trai anh, do không hiểu được cái thế giới ước mơ kia của Nhĩ, vâng lời bố mà đi nhưng không hề biết vì sao nó phải đi, ở bên kia sông có gì lạ ? Nó sẵn sàng "sà vào đám người chơi phá cờ thế trên hè" là lẽ dĩ nhiên. Còn Nhĩ, khi biết thằng bé đã đi, tâm hồn anh trào dâng bao nhiêu náo nức. Nó cũng là "một cánh buồm vừa bắt gió căng phồng lên". Hình ảnh đứa con, hình ảnh của ước vọng từ "cái mũ cói rộng vành và chiếc sơ mi màu trứng sáo" cứ chập chờn, khi là đứa con, khi chính là mình, vì thế. Hình ảnh tuyệt vời, trẻ trung này là mơ ước của anh.

Miền đất ấy là ước mơ. Miền đất ấy cũng gợi trong Nhĩ bao nhiêu suy ngẫm vể cuồc đời có thực. Hình ảnh có thực về cuộc đời (chứ không phải danh lam thắng cảnh, nước biếc non xanh), cuộc đời có thực ấy thật nguyên vẹn, "cả trong những nét tiêu sơ". Một khi đã là cái thực, nó đôi lập với sự cầu kì. Nó cần đến sự giản dị, hồn nhiên. Nhưng để hiểu được cuộc đời, người ta phải có một "con mắt xanh" nhìn nó, phải "in gót chân khắp mọi chân trời xa lạ mới nhìn thấy hết sự giàu có lẫn mọi vẻ đẹp của một cái bãi bồi sông Hồng ngay bờ bên kia". Ý nghĩ : bến quê, bến đời, nơi người ta không tới được đậm màu sắc triết lí là ý nghĩ về con đường nhận thức tưởng như đã đến mà thực tế còn rất xa xôi. Cái nghịch lí này không triết luận dài dòng, nó nằm ngay trong tâm trạng, một tâm trạng giày vò mà "lời lẽ không bao giờ giải thích hết giữa "say mê" và "ân hận, đau đớn". Tuy nhiên, đến được với cái đích ấy, con người hạnh phúc lại theo một cách riêng không phải như "một chú bé mới đẻ đang toét miệng cười" thích thú vì được chăm sóc mà là một nhà thám hiểm "đang chậm rãi đặt từng bước chân lên cái mặt đất dấp dính phù sa" trên một miền xa lạ. Phát hiện ra cuộc đời ở chiều sâu, được đi tìm nó, đối với Nhĩ là một sự hồi hộp vô biên. Hai con mắt của con người say mê và đau khổ ấy sáng lên, "long lanh" một cách khác thường. Những ngón tay bám vào cửa sổ như bám vào hạnh phúc cũng run lên. Còn cánh tay gầy guộc giơ ra phía ngoài khuôn cửa như "đang khẩn thiết ra hiệu cho người nào đó". Người nào đó là ai ? Căn cứ vào văn cảnh thì người đó chắc chắn là Tuấn, con anh. Nhưng có lẽ không chỉ có thế, hiệu lệnh tiến lên còn dành cho Nhĩ, cho mọi người, cho bạn đọc đông đảo chúng ta. Cụm từ mơ hồ "một người nào đó" được hiểu như "con người", hiểu là tất cả. Và chặng đường đến với cuộc đời như cuộc chạy tiếp sức hết thế hệ nọ đến thế hệ kia...

3. Về nghệ thuật, trong quan niệm truyền thống, khi nói đến truyện ngắn, người ta nghĩ ngay đến cốt truyện, nghĩa là một hệ thống chi tiết hành động, tất cả được kể lại một cách rành mạch, thứ tự, tạo kích thích và hứng thú cho người nghe. Bến quê đã không đi theo hướng ấy. Nhân vật trong truyện, loại truyện thế sự đời tư có lô gích bên trong, không hoàn toàn trùng khớp với thế giới bên ngoài. Thế giới bên trong này tạo nên một thứ mạch ngầm văn bản ở chiểu sâu, tạo được những dư âm thú vị. Con người ở đây là con người tự nhận thức, tự đối thoại. Vì sao loài hoa bằng lăng vốn nhợt nhạt, sắp hết mùa sao lại đậm sắc hơn ? "ừcũng chả phải,... thời tiết đã thay đổi, đã sắp lập thu rồi". Mặt sông thì rộng ra, vòm trời cao hơn. Còn màu sắc của không gian, thời gian cứ lẫn vào giữa mơ với thực, hôm nay với hôm qua như một sự rượt đuổi, kiếm tìm "Suốt đời Nhĩ đã từng đi tới không sót một xó xỉnh nào trên trái đất" mà lại không nghĩ ra và không đật chân đến "cái bờ bên kia sông Hồng ngay trước cửa sổ nhà mình". Ý nghĩ ấy trở đi trở lại như một tiếc nuối, xót xa. Chính là đi vào đời sống nội tâm của nhân vật, Nhĩ không khỏi cảm thấy cô đơn, cái cô đơn vốn có của con người. Mặc dù chịu ơn vợ, hi vọng vào con, yêu quý mọi người nhưng hình như mơ ước của anh, khao khát của anh ít người hiểu được. Họ lo cho anh, nhưng không ai có thể tri kỉ cùng anh. Nhĩ như một kẻ độc hành cô đơn trên con đường vạn dặm. Tuy vậy, được hi vọng, ước mơ, được vui sống đến phút cuối cùng, anh không phải là một con người bất hạnh. Một phương diện khác của nghệ thuật là vấn đề kết cấu. Ở một truyện ngắn lấy cảm nghĩ làm phưong tiện để nhân vật hiện lên để có nguy cơ tản mạn. 

Bến quê không rơi vào tình trạng trên đây nhờ có sự kết hợp giữa chiều dọc và chiểu ngang của nó. Nếu cảm nghĩ là chiều ngang thì thời gian vẫn là trục dọc để những cảm nghĩ ấy bám vào. Mạch dọc của truyện lại khá dễ hình dung : Nhĩ từ tư thế nằm, nhích dần ra khỏi tấm nệm đến lúc ngồi được lên nhờ có sự giúp đỡ vô tư của bọn trẻ. Con thuyền từ bờ bên kia, sang quá nửa sông, rồi chạm mũi vào đất phía bên này... Sự sắp xếp không có gì khiên cưỡng làm cho sự tiếp nhận thoát ra sự gò bó, nó đạt đến sự hồn nhiên.

cam nhan ve truyen ben que nguyen minh chau