Nhiễu điều phủ lấy giá gương Người trong một nước phải thương nhau cùng

Thứ ba , 27/01/2015, 21:54 GMT+7
     

Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước phải thương nhau cùng”

Tìm hiểu người xưa muốn nhắn nhủ điều gì qua hai câu ca dao ấy?

Bài tham khảo

Năm 40, thời quân Đông Hán bên Tàu ỷ mạnh, đem quân xâm lăng cai trị nước ta. Thái thú Tô Định còn bắt giết Thi Sách, chồng của Trưng Trắc. Vì thù nhà nợ nước, Trưng Trắc và Trưng Nhị khởi nghĩa đánh quân Đông Hán. Từ đó có câu ca dao:

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương”

Vậy chúng ta hãy tìm hiểu xem tổ tiên đời trước đã muốn nhắn nhủ điều gì?

Nhiễu điều là một tấm vải quý màu đỏ thẫm, người xưa dùng nó vào những việc trang trọng. Giá gương chỉ một đồ vật được nhân dân rất trân trọng, vì nó là khung của một tấm gương viết tên của ông bà, tổ tiên đặt giữa bàn thờ.

Nhiễu điều, giá gương còn có nghĩa xa xôi hơn, chúng là hai sự vật gần gũi bên nhau được yêu quý như nhau. Nghĩa đen câu này muôn miêu tả tấm nhiễu đỏ phủ lên bài vị tổ tiên trên bàn thờ để che chở cho tấm gương. Từ hình ảnh đó, nhân dân ta còn muốn miêu tả hành động bảo vệ, che chở của tấm nhiễu điều sang quý cho tấm gương mong manh và dễ vỡ, tức nhằm ví hai con người gần gũi bên nhau, che chở cho nhau. Bên cạnh đó cả câu ca dao còn chứa đựng một lời khuyên thắm đượm tình nghĩa của người xưa: Đồng bào cùng một tổ tiên, một giống nòi hãy thương yêu, đùm bọc đoàn kết bên nhau như tấm nhiễu điều phủ lên giá gương trong sáng.

Ông cha ta nói như thế vì so với thế giới, đất nước ta còn nghèo, dân tộc ta còn ít, nếu không đùm bọc nhau thì rất dễ bị ngoại xâm chia rẽ và xâm chiếm. Chính truyền thông Âu Cơ đã phát sinh ra hai tiếng đồng bào.       Vì thế, tình thương yêu đoàn kết giữa mọi người trong một đất nước, trong một dân tộc là truyền thống lâu đời của tổ tiên ta. Nhờ đoàn kết mà nước ta đánh đuổi được quân xâm lược. Có rất nhiều sự kiện đã chứng minh cho truyền thông ấy như phá Tông, đuổi Nguyên Mông, bình Ngô. Đến thế kỉ XVIII, Quang Trung và đoàn quân Tây Sơn chống quân Thanh, rồi đến giữa thế kỉ XX nhân dân cả hai miền Nam Bắc đoàn kết chống Pháp và Mĩ thành công.

Sở dĩ cha ông ta có câu này vì trong xã hội vẫn có một số ít người mang thói xấu là chia rẽ, ganh tị, có đầu óc kì thị địa phương, không biết đoàn kết yêu thương nhau. Cũng như vậy, trên thế giới vẫn còn những người phân biệt màu da, chủng tộc. Do đó bài học trên rất cần thiết, vì sức mạnh đoàn kết sẽ giúp cho dân tộc ta vượt qua dịch hoạ, thiên tai. Bằng chứng là khi đồng bằng sông Cửu Long bị lũ lụt, nhân dân cả nước đã quyên góp thực phẩm, quần áo, tiền bạc, để giúp họ thoát khỏi cảnh màn trời chiếu đất. Đồng bào vùng lũ lụt đã vượt qua thiên tai nhờ tinh thần lá lành đùm lá rách của nhân dân cả nước. Khi biên cương bị xâm lược, sự đoàn kết chống giặc sẽ là sức mạnh đuổi địch ra khỏi đất nước. Ngoài ra sự đoàn kết, thương, yêu nhau của nhân dân trong nước còn tạo thành sức mạnh tinh thần vô cùng quý báu, giúp toàn dân sống trong hoà bình, vui tươi.

Sau khi tìm hiểu vấn đề này, chúng ta thấy rằng câu ca dao trên đây rất đúng. Trong nước lúc nào chúng ta cũng phải biết tương trợ lẫn nhau, Những người giàu có nên thương yêu giúp đỡ cho những người nghèo khổ, nhất là trong những khi tai ương, hoạn nạn như cháy nhà, lụt lội, bệnh tật, thiên tai v.v... Những người làm quan cao, chức cả thì phải lấy địa vị đó mà giúp đỡ cho dân chúng trong địa hạt mình cai trị được an cư lạc nghiệp, sống một cuộc đời ấm no. Ông Nguyễn Trãi đã khuyên ta:

Thấy ai đói rách thì thương

Đói thường cho mặc, đói thường cho ăn.

(Gia Huấn ca)

Có cái tình “thương người như thể thương thân” ấy thì cuộc sống xã hội mới tránh được những mối xung đột giai cấp nguy hại.

Tín đồ các tôn giáo thì người ở tôn giáo này không này không nên chỉ trích người ở tôn giáo khác, không nên gây tinh thần “đạo này ghét đạo kia” mà phải thực hiện sự đoàn kết tôn giáo để cho nước nhà thêm hùng cường thịnh vượng.

Câu này không những thích hợp với người xưa mà ngày nay hãy còn thích hợp. Trong mọi trường hợp, cần phải có sự đoàn kết giữa các tầng lớp nhân dân thì nước nhà mới có thể văn minh tiến bộ. Ngược lại, sẽ có sự xung đột giai cấp, đảng phái, chống đối lẫn nhau làm cho dân tộc bị chia rẽ, suy yếu. Bởi thế cụ Phan Bội Châu đã nói:

Quần khôn thời hợp, quần đại thời li

Nước nhà thịnh suy, bởi hai điều ấy.

(Hợp quần)

Xét chung, chúng ta thấy câu ca dao lịch sử trên đây thật đúng, cụ Phan Bội Châu cũng đã nhắc nhở mọi người:

Xưa nay nhà lớn chầu nhiều gạch

Đoàn kết xin từ thuở móng non

(Hòn gạch)

Nghĩa là muốn xây được ngôi nhà lớn thì phải lo xây nền đắp móng. Muốn thực hiện sự đoàn kết quốc gia thì trước hết phải thực hiện sự đoàn kết trong gia đình và học đường. Trong gia đình, anh em phải thương yêu đoàn kết lẫn nhau, trong xã hội thực hiện sự đoàn kết toàn dân để bảo vệ quốc gia sau này.