Phân tích tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân
Đề bài: Phân tích tác phẩm Vợ Nhặt của Kim Lân.
Bài làm
Kim Lân tên khai sinh là Nguyễn Văn Tài, người làng Phù Lưu, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Vì gia đình khó khăn, ông chưa được học hết bậc Tiểu học. Nhưng ông là người Kinh Bắc, là con đẻ của nền văn hoá Kinh Bắc có bề dày lịch sử lâu đời, nên rất đỗi tài hoa. Kim Lân có biệt tài viết truyện ngắn. Ông chủ yếu viết về nông thôn và người nông dân. Ông hiểu sâu sắc cảnh ngộ, tâm sự, ước mơ của những người nông dân nghèo rất gần gũi với sinh hoạt của ông - những con người gắn bó tha thiết với quê hương và cách mạng.
Vợ nhặt là truyện ngắn xuất sắc nhất của Kim Lân, rút từ tập Con chó xấu xí. Vợ nhặt có tiền thân là truyện Xóm ngụ cư viết ngay sau Cách mạng tháng Tám (bản thảo chưa in, sau này tác giả viết lại).
1. Tác giả tổ chức thiên truyện xoay quanh một tình huống thật độc đáo và lấy luôn tình huống ấy đặt tên cho tác phẩm : Vợ nhặt.
Đó là tình huống Tràng lấy được vợ, lại có vợ "theo" nữa. Chuyên ấy ở người khác, ở hoàn cảnh khác, thì chẳng có gì đặc biột. Nhưng ở anh cu Tràng, trong hoàn cảnh của anh ta, thì thật lạ lùng, thậm chí khó tin là có thực.
Một người như Tràng thì tưởng chẳng có người đàn bà nào thèm nhìn đến, nhất là lại say mê đến mức "theo không" về ! Vì anh ta xấu trai "quai hàm bạnh ra", "bộ mặt thô kệch", "đầu trọc nhẵn chúi về đằng trước. Hình như những lo lắng, chật vật trong một ngày đè xuống cái lưng to rộng như lưng gấu". Đã thế, anh ta lại có cái tật "vừa đi vừa tủm tỉm cười", "vừa đi vừa nói", "lảm nhảm than thở" một mình. Nghĩa là có tính dở hơi, thần kinh không bình thường, cho nên mới trở thành đối tượng đùa cợt của lũ trẻ ranh trong xóm ngụ cư "Đứa túm đằng trước, đứa túm đằng sau, đứa kéo, đứa lôi chân không cho đi. Tràng chỉ ngửa mặt lên cười hềnh hệch".
Xấu trai mà lại nghèo và là dân ngụ cư. Hai mẹ con rau cháo nuôi nhau trong "cái nhà vắng teo đứng rúm ró trên mảnh vườn mọc lổn nhổn những búi cỏ dại".
Nhưng một điều còn lạ hơn nữa là Tràng lại lấy vợ ngay giữa nạn đói khủng khiếp - mùa xuân năm 1945. Cái đói chẳng ở đâu xa, nó đã tràn đến cái xóm ngụ cư của mẹ con Tràng rồi: "Những gia đình từ những vùng Nam Định, Thái Bình, đội chiếu lũ lượt bồng bế dắt díu nhau lên xanh xám như những bóng ma, và nằm ngổn ngang khắp lều chợ. Người chết như ngả rạ". Cho nên những người dân trong xóm ngụ cư nhìn Tràng dắt người vợ "theo" về mà lo lắng cho anh ta : "Ôi chao ! Giời đất này còn rước cái của nợ đời vể. Biết có nuôi nổi nhau sống qua được cái thì này không ?".
Bà cụ Tứ, mẹ Tràng cũng vậy, con lấy được vợ, mừng thì có mừng, nhưng lo cũng thật lo: "Biết rằng chúng nó có nuôi nổi nhau sống qua được cơn đói khát này không ?".
Tình huống ấy được tác giả diễn đạt bằng thái độ ngạc nhiên của mọi người. Ngạc nhiên vì không tin, không thể tin được !
Khi anh cu Tràng và người đàn bà đi vào trong ngõ, cả xóm ngụ cư chạy ra ngưỡng cửa, vừa nhìn theo vừa bàn tán. Họ ngơ ngác đặt cho nhau những câu hỏi mà không biết trả lời sao : "Ai đấy nhỉ ?... Hay là người dưới quê bà cụ Tứ mới lên ?" ; "Chả phải..." ; "Quái nhỉ ?".
Đến khi biết Tràng có vợ theo về thì "cười lên rung rúc". Anh cu Tràng mà cũng có vợ ư ! Chuyên kì lạ quá làm cho họ phải bật cười.
Bà cụ Tứ cũng không ngờ được. Thấp thoáng nhìn thấy người đàn bà lạ đứng trong nhà mình, ngay đầu giường thằng con mình, bà cụ "đứng sững lại" giữa sân, rất ngạc nhiên : "Quái sao lại có người đàn bà nào ở trong ấy nhỉ ?" ; "Sao lại chào mình bằng u ?" ; "Không phải con cái Đục mà. Ai thế nhỉ ?".
Đến anh cu Tràng cũng ngạc nhiên. Chuyện diễn ra nhanh chóng và dễ dàng quá khiến chính anh ta cũng chưa tin là có thật : "Nhìn thị ngồi ngay giữa nhà, đến bây giờ hắn vẫn còn ngờ ngợ như không phải thế. Ra hắn đã có vợ rồi đấy ư ?".
Một tình huống, càng ngẫm nghĩ, càng thấm thìa nổi tủi nhục của thân phận con người và tội ác của bọn đế quốc Pháp, Nhật. Nó đã hạ giá con người đến mức rẻ mạt thế ư : Chỉ mấy bát bánh đúc mà lấy được vợ, mà có vợ theo vẻ ! Con người có hơn gì cái rơm cái rác, có thể nhặt được nơi xó chợ, đầu đường.
Tình huống của truyện cũng làm bật nổi một chủ đề có giá trị nhân bản sâu sắc của tác phẩm : niềm khao khát hạnh phúc gia đình của người dân lao động đã chiến tháng sự đe doạ ghê gớm của nạn đói và nỗi ám ảnh khùng khiếp của cái chết.
Nói thế chứ, lúc đầu, Tràng không phải không sợ. Khi người đàn bà theo anh là về thật, anh ta cũng "chợn", nghĩ : "thóc gạo này đến cái thân mình cũng chả biết có nuôi nổi không, lại còn đèo bòng". Nhưng tuổi trẻ bất chấp tất cả, "hắn tặc lưỡi một cái : - Chậc, kệ !".
Đến khi, trên đường về nhà, đi cùng người đàn bà đã thực sự thành vợ của mình rồi thì, trong một lúc, anh ta "hình như quên hết những cảnh sống ê chề, tăm tối hằng ngày, quên cả cái đói khát ghê gớm đang đe doạ, quên cả những tháng ngày trước mặt". "Một cái gì mới mẻ, lạ lắm, chưa từng thấy [...] nó ôm ấp, mơn man khắp da thịt [...] tựa hồ như có bàn tay vuốt nhẹ trên sống lưng".
Nhưng bà cụ Tứ thì không thể dễ dàng xua đuổi nỗi ám ảnh của cái đói, cái chết như thế được. Nó cứ hiện hình lên với bà một cách ghê sợ theo "mùi đốt đống rấm" "thoáng vào khét lẹt" và "tiếng hờ khóc ngoài xóm lọt vào tỉ tê lúc to lúc nhỏ". Vì cả một đời trái nghiệm, bà biết rất rõ thế nào là cái nghèo, cái đói nó chưa bao giờ chịu buông tha gia đinh bà một giờ, một phút nào : "Bà lão nghĩ đến ông lão, nghĩ đến đứa con gái út. Bà lão nghĩ đến cuộc đời cực khổ dài dằng dặc của mình. Vợ chồng chúng nó lấy nhau, cuộc đời chúng nó liêu có hơn bố mẹ trước kia không ?...".
Tuy vậy, bà cụ vẫn cố quên đi nỗi lo trong lòng mình và không muốn làm mất niềm vui của các con :
Ừ, thôi thì các con đã phải duyên phải kiếp với nhau, u cũng mừng lòng...".
Nhà ta thì nghèo con ạ. Vợ chồng chúng mày liệu mà bảo nhau làm ăn. Rồi ra may mà ông giời cho khá... Biết thế nào hở con, ai giàu ba họ, ai khó ba đời ? Có ra thì rồi con cái chúng mày về sau".
Người dân lao động, dù cực khổ thế nào, dù lâm vào tình cảnh bi đát đến thế nào, cũng không bao giờ mất hết tin tưởng ở tương lai.
Nhất là buổi sáng hôm sau. Có lẽ ánh sáng và không khí mát mẻ của một ngày mới cũng làm cho mọi người cảm thấy tươi vui, tin tưởng hơn chăng ? Tràng thì không nói làm gì, nhưng bà cụ Tứ "cũng nhẹ nhõm tươi tỉnh khác ngày thường, cái mặt bủng beo u ám của bà rạng rỡ hẳn lên". Mọi người đểu hăng hái dọn dẹp, quét tước nhà cửa, sân vườn, tin rằng "thu xếp nhà cửa cho quang quẻ, nén nếp thì cuộc đời họ có thể khác đi, làm ăn có cơ khấm khá hơn".
Niềm tin của họ có vẻ vu vơ thế thôi : "Ai giàu ba họ, ai khó ba đời", vậy mà hết sức vững chắc. Họ chưa giác ngộ cách mạng, cũng không hể biết đến phép biện chứng về mối quan hệ giữa hiện tại và tương lai. Đây là niềm tin của những con người chi vì miếng cơm manh áo hằng ngày, mà sống hết mình với cuộc sống, vì thế, tin ở cuộc sống, tin ở tương lai. Ta hiểu vì sao, trải qua trường kì lịch sử, những người nông dân nghèo khổ này phải chịu đựng hơn bất cứ tầng lớp xã hội nào khác, mọi thứ tai hoạ giáng xuống : chiến tranh xâm lược, ách phong kiến, thực dân, hạn hán, bão lụt và các thứ dịch bệnh,... Vậy mà họ vẫn có thể là tác giả cùa những truyện cổ tích có ông Bụt xuống cứu người hoạn nạn, có anh dân chài nghèo khổ lấy được công chúa ; tác giả của những vai hể với tiếng cười hết sức sảng khoái trên sân khấu chèo, và của hàng trăm truyện cười vẫn còn sống mãi cho đến ngày nay.
2. Cả thiên truyện chỉ xoay quanh ba nhân vật : Tràng, vợ Tràng và bà cụ Tứ. Cả ba đều được khắc hoạ rất đậm nét, chân thực và sinh động. Cùng được đặt trước một tình huống chung, nhưng mỗi người lại có những phản ứng tâm lí riêng rất khác nhau.
Tràng thì rõ ra là một chàng trai thật thà, nhưng vụng về, thô kệch. Đi cùng với vợ về nhà, anh ta không giấu nổi vẻ "phớn phở khác thường", lại "tủm tỉm cười nụ một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh". Anh ta muốn nói với vợ một vài câu "rõ tình tứ" mà chẳng biết nói thế nào, "cứ lúng ta lúng túng, tay nọ xoa vào vai kia".
Trong khi chị vợ "rón rén, e thẹn", lại lo lắng nữa : "hai con mắt tư lự", "mặt bần thần", thì anh ta tỏ ra nóng lòng sốt ruột. Đợi mãi mẹ chưa về, anh ta gắt lên : "Sao hôm nay bà lão về muộn thế khổng biết !". Đến khi trông thấy mẹ, anh ta "reo lên như một đứa trẻ" và lật đật chạy ra.
Đây là một chàng trai tuy không còn ít tuổi, nhưng hình như chưa bao giờ biết suy nghĩ một điều gì nghiêm chỉnh, nên vẫn nông nổi, ngờ nghệch, trong óc có nhiều thắc mắc rất ngớ ngẩn : Thấy vơ không vui, anh ta không hiểu : "Quái sao nó lại buồn thế nhí ?". Nhìn mẹ lau nước mắt, anh ta cũng lấy làm lạ : "Chán quá, chẳng đâu vào đâu tự nhiên cũng khóc !".
Hoá ra con người này, phải có vợ rồi mới thực sự trưởng thành, nghĩa là mới biết suy nghĩ nghiêm chỉnh vể trách nhiệm của mình đối với cuộc đời. Ay là buổi sáng hôm sau ngày có vợ "chắp hai tay sau lưng lững thững bước ra sân", thấy nhà cửa, sân vườn được mẹ và vợ quét tước, thu dọn sạch sẽ, "Bỗng nhiên hắn thấy hắn thương yêu gắn bó với cái nhà của hắn lạ lùng. Hắn đã có một gia đình. Hắn sẽ cùng vợ sinh con đẻ cái ở đấy[...]. Bây giờ hắn mới thấy hắn nên người".
Vợ Tràng thì từ cái lần gặp Tràng ở nhà kho và chợ tỉnh đến khi thành vợ của Tràng, thái độ, cử chỉ, cung cách ăn nói biến đổi hẳn : "Tràng nom thị hôm nay khác lắm, rõ ràng là người đàn bà hiền hậu đúng mực không còn vẻ gì chua chát, chỏng lỏn như mấy lần Tràng gặp ở ngoài tỉnh".
Thực ra khi ở chợ, chỉ vì đói quá mà chị phải trơ trẽn, liểu lĩnh như thế. Đã vì miếng ăn thì còn sĩ diện gì nữa mà giữ gìn, e thẹn :
Hôm ấy leo lẻo cái mồm hẹn xuống, thế mà mất mặt...
- Chả hôm ấy thì hôm nay vậy. Này hãy ngồi xuống ăn miếng giầu đã.
- Có ăn gì thì ăn, chả ăn giầu...
- Đấy, muốn ăn gì thì ăn...
- Ăn thật nhá ! ừ ăn thì ăn sợ gì.
Thế là thị ngồi sà xuống, ăn thật. Thị cắm đầu ăn một chặp bốn bát bánh đúc liền chẳng chuyện trò gì".
Nhưng khi đã theo Tràng vể làm vợ anh ta rồi, chị không khỏi lo nghĩ : Sự liều lĩnh của mình sẽ phải trả giá thế nào đây ? Chuyên ăn đời ở kiếp chứ có phải trò đùa đâu ! Biết anh ta thế nào, gia đình, nhà cửa anh ta ra sao ? Nhìn cái nhà anh ta vắng teo, rúm ró, chị "nén một tiếng thở dài". Vào hẳn trong nhà rồi, thị vẫn "ngồi mớm xuống mép giường... hai tay ôm khư khư cái thúng, mặt bần thần".
Nhưng khi thấy mẹ chồng hiền lành, có tình cảm thật sự với dâu con, thì chị cũng yên lòng. Và đã là nàng dâu thật rồi thì phải tỏ ra là người nết na, đứng đắn, cũng biết tu chí làm ăn...
Còn bà cụ Tứ thì tâm trạng không đơn giản. Người già nên giàu kinh nghiệm. Giàu trải nghiệm thì hay lo nghĩ cho nên "Lòng người mẹ nghèo khổ ấy còn hiểu ra biết bao nhiêu cơ sự" : Làm mẹ mà không lo được gì cho con. Nay nó lấy được vợ thì cũng mừng. Nhưng biết chúng nó có nuôi nổi nhau qua cơn đói khát này không ? Khổ nỗi, có đói khát thì người, ta mới lấy đến con mình. Càng nghĩ càng ai oán, xót thương cho con và càng tủi cho phận làm mẹ của mình.
Nhưng chính cảnh ngộ ấy đã gắn bó bà cụ với nàng dâu mới trong tình thương yêu :
- "Con ngồi xuống đây. Ngồi xuống đây cho đỡ mỏi chân".
- "Năm nay thì đói to đấy. Chúng mày lấy nhau lúc này, u thương quá...
Bà cụ nghẹn lời không nói được nữa, nước mắt cứ chảy xuống ròng ròng".
Vì thương con, nên bà cụ cố giấu đi những lo âu buồn tủi và những giọt nước mắt, để động viên con bằng "toàn chuyên vui" với giọng thân mật hồ hởi :
Tràng ạ. Khi nào có tiền ta mua lấy đôi gà. Tao tính rằng cái chỗ đầu bếp kia làm cái chuồng gà thì tiện quá. Này ngoảnh đi ngoảnh lại chả mấy mà có ngay đàn gà cho mà xem...".
"- Chúng mày đợi u nhá. Tao có cái này hay lắm cơ...".
Chè đây... Chè khoán đây, ngon đáo để cơ".
Cám đấy mày ạ, hì. Ngon đáo để, cứ thử ăn mà xem. Xóm ta khối nhà còn chả có cám mà ăn đấy !".
Đãi con dâu mới bằng cháo cám, thật tội nghiệp ! Nhưng đúng là hổi ấy, biết bao người đã chết đói vì không có cháo cám mà ăn.
3. Truyện Vợ nhặt diễn ra trên bối cảnh là nạn đói khủng khiếp năm 1945, mà, nói như tác giả truyện Đôi mắt, "có lẽ đến năm 2000, con cháu chúng ta vẫn còn kể lại cho nhau nghe để rùng mình".
Nạn đói in trên mỗi gương mặt, len lỏi vào mỗi ý nghĩ, thấm vào mọi chi tiết. Nó là một chủ đề của tác phẩm, là tình huống của truyện, là không khí trùm lên các trang sách. Tác giả không bao giờ quên khơi gợi lên cái không khí ấy. Vì chỉ có trong bầu không khí u ám của cái đói bao phủ lên những xóm chợ xác xơ heo hút, những dãy phố nghèo lúp xúp, tối tăm, những bóng người đội chiếu dật dờ đi lại lặng lẽ như những bóng ma, với tiếng tỉ tê khóc hờ và mùi đốt đống rấm khét lẹt thoảng đưa tới từ những nhà có người chết đói, thì những tình cảm yêu thương giữa mẹ và con, giữa vợ và chồng, giữa những con người cùng cảnh ngộ, và niềm tin ở sự sống, ở tương lai của những người dân lao động nghèo khổ như vợ chồng Tràng, như bà cụ Tứ mới thật lung linh như ánh sao giữa trời đêm... Nạn đói có hạ giá họ đến thế nào thì họ vẫn giữ vững được phẩm chất người. Đó là nhân tính bền chắc không gì tiêu diệt được ở người dân lao động.
Tôi cho rằng, đó là ý nghĩa tư tưởng sâu sắc mà Kim Lân muốn đem đến cho Vợ nhặt.
Tham khảo thêm: Giá trị hiện thực và nhân đạo trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân.
- Phân tích tác phẩm 'Chiếc thuyền ngoài xa' của Nguyễn Minh Châu
- Tử Cống liền thưa: Người trí là người biết người; người nhân là người yêu người...
- Ta có thể nhặt được một gói tiền nhưng sẽ khống có ai đánh rơi một gói văn hoá cho ta nhặt
- Tuổi trẻ học đường suy nghĩ và hành động thế nào để góp phẩn giảm thiểu tai nạn giao thông?