Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn Treo biển
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ về truyện ngụ ngôn Treo biển.
Bài làm
Nụ cười, tiếng cười là biểu hiện cảm xúc tự nhiên, hồn nhiên của con người trong cuộc sống. Ngoài những trường hợp đặc biệt cười ra nước mắt, cười cay đắng, đau khổ, đa số chúng ta khi vui, hay bắt gặp một việc gì, nhìn thấy điều gì ngược đời, chướng mắt thì cất tiếng cười. Dân tộc Việt Nam chúng ta vốn lạc quan, thâm thuý nên rất biết cười. Trong kho tàng văn học dân gian, cha ông ta đã sáng tác cả một rừng cười, gọi là Truyện tiếu lâm, truyện cười, rừng cười ấy muôn vàn hoa lá khác nhau. Có truyện cười vui hóm hỉnh, xuề xoà để xoá đi những mệt nhọc trong lao động. Có truyện cười sâu cay, châm biếm để chế giễu, phê phán thói hư tật xấu, hoặc đả kích kẻ thù. Câu truyện Treo biển thuộc nhóm truyện cười chế giễu, phê phán khá đặc sắc, tiêu biểu cho thể loại truyện cười và sự độc đáo, sâu sắc của tiếng cười dân gian Việt Nam.
Tấm biển ấy là công cụ quảng cáo của một nhà hàng bán cá. Biển đề : "Ở đây có bán cá tươi", gồm bốn nội dung :
- "Ở đây" : Thông báo địa điểm cửa hàng
- "Có bán" : Thông báo hoạt động của cửa hàng
- "Cá" : Thông báo mặt hàng kinh doanh
- "Tươi" : Quảng cáo chất lượng hàng để hấp dẫn, mời gọi khách.
Cả bốn yếu tố, bốn nội dung đó đều cần thiết cho một biển quảng cáo, một cách quảng cáo bằng ngôn ngữ.
Vậy mà nhà hàng đã được bốn vị khách quý góp ý. Lần lượt từng vị, bằng thái độ (cười) và ngôn ngữ (nói) nhận xét, chỉ bảo ra vẻ chân tình, thân ái về tấm biển kia. Thoạt nghe, ý kiến từng người đều có lí. Cái lí của họ xuất phát từ những suy nghĩ, từ sự hiện diện trực tiếp bằng giác quan riêng của mình. Người nhìn, người ngửi, người chỉ coi trọng mặt hàng mà không chú ý nội dung toàn diện và ý nghĩa gián tiếp của ngôn ngữ mà nhà hàng muốn giao tiếp với tất cả mọi loại khách hàng. Nghĩa là cả bốn vị khách quý kia chỉ nhấn mạnh cái bộ phận mà coi thường tổng thể, coi thường mối quan hệ của các yếu tố. Ở một mức độ nào đấy, bốn lời phán của các vị khách kia hao hao cách sờ voi, phán về voi của mấy ông thầy bói xem voi trong truyện Thầy bói xem voi.
Chủ nhà hàng chỉ cần suy nghĩ một chút sẽ thấy mỗi vị đều có một chút phiến diện. Nhưng... buồn cười thay, ông chủ (hay bà chủ) hàng kia đã không suy nghĩ mảy may gì mà cứ "nghe nói, bỏ ngay, rồi nghe nói, bỏ ngay, lại bỏ ngay", cuối cùng là "cất nốt cái biển". Cứ mỗi lần "nghe nói, bỏ ngay" như thế, cái biển quảng cáo rất cần thiết kia bị lột dần, xoá dần đến độ bị... hạ bệ, xếp xó... Trước mỗi lần "nghe nói, bỏ ngay" của nhà hàng, người nghe, người đọc truyện lại bật cười. Ba lần bật cười nối nhau, cứ mỗi lần, tiếng cười lại bật lên ở cung bậc cao hơn, để rồi vang lên to nhất, thâm trầm nhất khi kết thúc câu chuyện. Cái biển bị "bỏ ngay" tới ba lần, chỉ còn mỗi chữ "cá".
Đến đây, ta tưởng thế là cái biển thoát nạn, nhà hàng thoát nạn. Vậy mà vẫn xuất hiện vị khách quý thứ tư với lời "góp ý" quá ư buồn cười và nhà chủ vẫn "nghe nói, bỏ ngay" thì thật là đáng bật cười, tiếng cười vang to nhất. Ta cười to vì từng người góp ý thấy có vẻ hợp lí, nhưng cứ cái đà đó mà làm theo thì kết quả cuối cùng thành vô lí, cực kì vô lí. Đỉnh cao của tiếng cười đã ngân lên, dội mạnh vào chủ hàng bán cá. Đấy là người không biết suy xét trước lời góp ý, thành ra hoàn toàn mất hết chủ kiến.
Như vậy, truyện Treo biển đã tạo nên tiếng cười vui vẻ, có ý nghĩa phê phán nhẹ nhàng những người thiếu bản lĩnh, thiếu suy nghĩ độc lập khi làm việc, cũng như khi nghe người khác góp ý, nhận xét. Nghệ thuật gây cười của tác phẩm này là xây dựng được những tình huống truyện đối lập từ thấp đến cao để kết thúc ở đỉnh điểm làm bật ra tiếng cười vang to nhất, có ý nghĩa nhất. Đấy cũng là đặc điểm chung của truyện cười. Truyện không chỉ giúp chúng ta bài học về phong cách sống mà còn nhắc ta về cách dùng từ, lựa chọn từ ngữ sao cho sát nghĩa, không thừa, không thiếu. Nếu đọc thêm truyện Đẽo cày giữa đường, ta cũng bật cười, nụ cười giễu cợt tương tự truyện này.
Đề bài: Phát biểu cảm nghĩ của em sau khi đọc xong truyện ngụ ngôn Treo biển
Người Việt Nam chúng ta rất thích Cười, dù trong bất kì tình huống, hoàn cảnh nào. Vì vậy, tiếng cười dân gian rất phong phú, có đủ cung bậc khác nhau. Có tiếng cười hóm hỉnh, hài hước để giải trí sau những giờ lao động mệt nhọc; có tiếng cười trào lộng, châm biếm để phê phán những thói hư tật xấu hay đả kích kẻ thù.
Treo biển là truyện ngụ ngôn chứa đựng ý nghĩa thâm thuý dưới hình thức tiếng cười vui vẻ, nhẹ nhàng. Nội dung kể về một ông chủ cửa hàng bán cá treo tấm biển : Ở đây có bán cá tươi. Nội dung tấm biển được một số người qua đường góp ý theo cách “nghĩ gì nói nấy”, ông chủ nghe theo, cứ bỏ dần từng chữ và cuối cùng cất luôn cái biển.
Đọc truyện, người ta thấy buồn cười vì trên đời này không có ai góp ý kiểu như vậy và cũng chẳng có ai lại dễ dàng nghe theo những lời góp ý vớ vẩn như thế. Điều thú vị là truyện lấy cái không thể xảy ra để nói đến những cái hiện tượng có thực trong cuộc sống hằng ngày. Mượn chuyện ông chủ cửa hàng bán cá nghe ai góp ý cũng làm theo, truyện ngụ ý phê phán những người thiếu chủ kiến trong cuộc sống.
Tuy ngắn gọn nhưng truyện vẫn có đầy đủ cốt truyện và nhân vật. Ngôn ngữ kể giản dị, mộc mạc nhưng hài hước, gây cười. Truyện bắt đầu từ tấm biển đề: Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ TƯƠI.
Nội dung tấm biển thông báo bốn ý: Ở ĐÂY chỉ rõ địa chỉ bán hàng. CÓ BÁN thông báo chức năng hoạt động của cửa hàng (bán chứ không phải là mua cá). CÁ thông báo loại mặt hàng mà cửa hàng bán ra (cá chứ khỏng phải tôm, cua…). TƯƠI thông báo chất lượng của cá.
Bốn yếu tố ấy là cần thiết cho nội dung của một tấm biển quảng cáo bằng ngôn ngữ.
Thông thường, một cửa hàng muốn bán thứ gì đều phải quảng cáo để giới thiệu hàng của mình với mọi người. Xét về mục đích thì nội dung của tấm biển trên là đầy đủ và hợp lí. Sẽ không có chuyện gì xảy ra nếu không có những lời góp ý vu vơ của một số người.
Có bốn người góp ý về tấm biển. Mỗi người bảo ống chủ bỏ bớt một yếu tố trong dòng chữ đề trên biển.
Người đầu tiên bảo:
- Nhà này xưa nay quen bán cá ươn hay sao mà bây giờ phải đề biển là cá TƯƠI?
Sự đối lập giữa tươi và ươn đã đánh vào lòng tự ái của ông chủ nên ông ta vội xóa bỏ chữ TƯƠI đi. Tấm biển còn dòng chữ: Ở ĐÂY CÓ BÁN CÁ.
Người thứ hai nhìn tấm biển, cười bảo:
- Người ta chẳng nhẽ ra hàng hoa mua cá hay sao mà phải đề là Ở ĐÂY?
Nghe thế, ông chủ vội xóa hai chữ ấy đi. Dòng chữ còn lại là CÓ BÁN CÁ.
Vài hôm sau, người khách khác đến mua cá, cũng cười bảo:
- Ở đây chẳng bán cá thì bày cá ra khoe hay sao mà phải đề là CÓ BÁN?
Ngẫm cũng cỏ lí, ồng chủ xóa liền hai chữ CÓ BÁN. Rốt cuộc, tấm biển còn mỗi chữ CÁ. Chẳng cứ ông chủ cửa hàng mà đến chính người đọc, người nghe cũng tưởng rằng đến đây thì chẳng còn gì để góp ý nữa. Nhưng người thứ tư lại bảo:
- Chưa đi đến đầu phố đã ngửi thấy mùi tanh, đến gần nhà thấy đầy những cá, ai chẳng biết là bán cá, còn đề biển làm gì nữa?
Vậy thì tấm biển treo lên là thừa, là vô ích, chủ nhà bèn cất luôn cái biển.
Thoạt nghe, ta tưởng ý kiến của từng người đều có lí nhưng nghĩ kĩ thi hóa ra không phải. Bởi vì người góp ý không hiểu được chức năng, ý nghĩa của yếu tố mà họ cho là thừa và mối quan hệ giữa nó với những yếu tố khác. Mỗi người đều lấy sự hiện diện của khách ở cửa hàng và sự trực tiếp được nhìn, ngửi, xem xét mặt hàng thay cho thông báo gián tiếp là chức năng, đặc điểm của ngôn ngữ. Vì vậy, họ chỉ quan tâm đến một hoặc hai từ mà họ cho là quan trọng mà không thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của các thành phần khác trong câu.
Đọc truyện này, ta thấy cứ mỗi lần có người góp ý là ông chủ cửa hàng không cần suy nghĩ vội làm theo ngay. Ta cười vì thái độ tiếp thu thụ động, không suy xét cẩn thận của ông ta. Ta cười vì ông ta không hiểu mục đích treo biển để làm gì và những điều viết trên biển có ý nghĩa gì.
Kết thúc truyện cũng là lúc tiếng cười vang lên bởi vì ý kiến của từng người mới nghe qua tưởng là có lí nhưng làm theo thì kết quả cuối cùng lại thành phi lí. Ta bật cười vì trên đời này có lẽ không có ông chủ nào lại nghe góp ý theo kiểu “đẽo cày giữa đường” như thế.
Treo biển là một truyện hài hước tạo nên tiếng cười vui vẻ, phê phán nhẹ nhàng những người thiếu chủ kiến trong suy nghĩ và trong hành động.
Từ truyện này, ta có thể rút ra bài học: Trong cuộc sống, chúng ta nên lắng nghe lời góp ý của mọi người nhưng không nên vội vàng làm theo khi chưa suy xét kĩ. Làm bất cứ việc gì ta cũng phải đặt ra mục đích, có chủ kiến và biết tiếp thu một cách chọn lọc và sáng tạo ý kiến của người khác để vận dụng thiết thực vào hoàn cảnh của mình. Trước khi làm việc gì cũng nên đặt ra câu hỏi: Mình làm việc ấy để làm gì? Làm như thế nào?
Qua truyện này, chúng ta cũng có thể rút ra bài học về cách dùng từ. Từ dùng phải có nghĩa, có chứa thông tin cần thiết, không dùng từ thừa và thiếu. Từ được sử dụng phải ngắn gọn, rõ rặng, chính xác, đem lại hiệu quả cao nhất trong giao tiếp.