Soạn bài hồi trống cổ thành

Thứ sáu , 30/01/2015, 13:24 GMT+7
     

HỒI TRỐNG CỔ THÀNH

(Trích hồi 28 - Tam quốc diễn nghĩa)

                                                                                La Quán Trung

A- GỢI Ý TRẢ LỜI CÂU HỎI, BÀI TẬP

I- Hướng dẫn học bài:

Bài tập 1.Tại sao Trương Phi nổi giận định đâm chết Quan ông?

Gợi ý:

Trương Phi là người cương trực, tính tình nóng nảy (Dân gian có câu:“Nóng như Trương Phi”). Đang lúc giận, câu nói của Quan Vũ: "Hiền đệ cớ sao như thế, há quên nghĩa vườn đào ru?" khiến Trương Phi bừng bừng nổi giận. Quan Vũ muốn nhắc lại việc kết nghĩa vườn đào để Trương Phi bớt giận, không ngờ điều đó như đổ thêm dầu vào lửa, càng làm Trương Phi phẫn nộ bởi vì trong suy nghĩ của Trương Phi, Quan Vũ theo Tào phản bộanh em, đã phản bội còn rêu rao "nghĩa vườn đào" là hoàn toàn không xứng, là đáng phỉ nhổ, đáng giết.

Trương Phi, với tính cách một võ tướng dũng mãnh, một đấng trượng phu, luôn là người cương trực, không chấp nhận sự quanh co, lắt léo, đen trắng rõ ràng. Nhưng quan trọng hơn cả, Trương là người trọng nghĩa khí, quý tình anh em. Cho nên, hành động tấn công người anh em kết nghĩa vườn đào chẳng phải chỉ do hiểu nhầm đơn thuần, cũng không chỉ biểu hiện cá tính nóng nảy, mà còn bộc lộ một phẩm chất rất đáng quý của Trương Phi: đó là phẩm chất của đấng trượng phu, quân tử, hào hiệp, coi tình nghĩa là trên hêt, căm ghét tận xương tuỷ thứ hạng người bất nghĩa, bất trung...

Bài tập 2.Vì sao đoạn trích lại có nhan đề là "Hồi trống cổ thành"?

Gợi ý:

Trong nguyên tác, hồi 28 có tiêu đề:

“Chém Sái Dương, anh em hoà giải

Hồi Cổ thành, tôi chúa đoàn viên”

Chữ "hồi" trong nhan đề đoạn trích (do người biên soạn đặt) có nghĩa là hồi trống (danh từ). Đây là hồi trống do Trương Phi gióng lên như một chi tiết có ý nghĩa nghệ thuật độc đáo. Đây trước hết cũng là hồi trống trận như tất cả những hồi trống trận thông thường khác, nhưng có điều là người đánh trống không phải thuộc quân bên này hay quân bên kia, và hơn nữa, mục đích của hồi trống cũng không phải chỉ có thúc giục kẻ giao chiến. Có thể thấy, hồi trống như trút hết tất cả tâm trạng đang đầy mâu thuẫn, sự xúc động, căng thẳng đến tột cùng của Trương võ tướng, từ sau ngày anh em thất trận, bặt vô âm tín, cho đến nỗi oán hận vì nghe tin thất thiệt về Quan Công, những hi vọng được gặp lại nhau, và những thất vọng vì hiểu nhầm về nhau..., tất cả những tâm trạng ấy như đã được dồn nén để bây giờ vang lên, bùng nổ ra trong hồi trống cổ thành. Cho nên, ta như nghe thấy trong hồi trống ấy có cả tiếng khóc, tiếng cười, tiếng gầm thét vì giận dũ của Trương Phi. Nó như một khúc ca, ca ngợi tấm lòng trượng nghĩa, tình huynh đệ bất diệt giữa những người anh em kết nghĩa vườn đào.

Chính vì vậy, đặt tên cho đoạn trích là Hồi trong cổ thành là rất phù hợp với nội dung đoạn trích.

Bài tập 3.Có ý kiến cho rằng "nóng như Trương Phi" còn là nóng lòng muốn biết sự thực, nóng lòng xác định phải trái, đúng sai, chứ không phải chỉ là nóng nảy do cá tính gàn dở. Anh (chị) có đồng ý không? Vì sao?

Gợi ý:

Trương Phi có tính cách nóng nảy. Sự nóng nảy ấy, ngoài ý nghĩa cá tính riêng, còn có nhiều ý nghĩa khái quát khác:

- Mạnh mẽ, quyết liệt... (Tính cách một võ tướng).

- Cương trực, đường hoàng, hồn nhiên, trung thực... (Tính cách của một đấng trượng phu).

- Giàu tình cảm, trọng nghĩa khí...(Trượng phu)...

Theo ý nghĩa đó thì “nóng như Trương Phi” theo cách nói tiếng Việt mà được hiểu là “cá tính nóng nảy gàn dở” hay “nóng lòng muôn biết sự thật” đều không đúng.

Cần hiểu thành ngữ này theo nghĩa khái quát nhất: chỉ những hành vi và thái độ quá nóng nảy (nhưng không gàn dở và cũng không chỉ trong ý nghĩ).

Bài tập 4.Tại sao nói: nếu không có chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống thì đoạn văn sẽ tẻ nhạt, mất hết ý vị Tam quốc?

Gợi ý:

Xem ý nghĩa của hồi trống đã phân tích ở bài tập 2.

Nếu không có chi tiết Trương Phi thẳng tay giục trống thì đoạn văn sẽ tẻ nhạt, rơi vào cuộc đoàn viên tầm thường, trong đó tính cách của các bậc anh hùng không được bộc lộ, tình nghĩa huynh đệ thuỷ chung, cao đẹp không được ngợi ca...

II-Luyện tập:

Bài tập 1. Kể lại câu chuyện bằng một đoạn vãn khoảng 30 dòng.

Gợi ý:

+ Cần tóm lược vài chi tiết trước đoạn trích:

Sau thất thủ Từ Châu, anh em kết nghĩa vườn đào Lưu - Quan - Trương phiêu dạt mỗi người một nơi. Quan Vũ túng thế, buộc phải ở với Tào Tháo. Khi nghe tin Lưu Bị đang ở với Viên Thiệu, Quan Vũ liền bỏ Tào, vượt qua năm cửa ải, chém sáu tướng Tào cản đường, đưa Cam và Mi phu nhân về với Lưu Bị. Trên đường đi, Quan Vũ gặp Trương Phi ở Cổ thành.

+ Nội dung đoạn trích khi kể cần đảm bảo:

- Quan Vũ đi qua Cổ thành, nghe tin Trương Phi ở đấy, rất mừng rỡ.

- Trương Phi nghe tin thất thiệt, ngỡ Quan Vũ hàng Tào, cả giận đem nghìn quân ra cửa Bắc “hỏi tội” Vân Trường.

- Cam phu nhân và Mi phu nhân can ngăn, nhưng Trương vẫn không tin.

- Trương Phi quát mắng, kể tội Vân Trường.

- Vân Trường đối chất với Trương Phi.

- Sái Dương đuổi theo Vân Trường để trả thù. Vân Trường chém đầu Sái Dương.

- Vân Trường bắt một tên lính cầm cờ hiệu hỏi, biết rõ đầu đuôi. Qua việc tra hỏi tên lính này, mối nghi ngờ của Trương Phi mới được giải toả.

- Trương Phi khóc, lạy Vân Trường. Anh em đoàn viên.

Bài tập 2 và bài tập 3. Tính cách của nhân vật Trương Phi được biểu hiện qua những chi tiết nào? Tính cách của Trương Phi và Quan Công khác nhau như thế nào?

Gợi ý:

a- Nhân vật Trương Phi:

+ Tính cách của Trương Phi nóng nảy, cương trực, nhưng ngay thẳng, đường hoàng, trung thực, đó là tính cách của một võ tướng và một đấngtrượng phu được cụ thể hoá trong một cá tính hồn nhiên, bộc trực. Tính cách đó còn thể hiện phẩm chất của Trương Phi là một người trọng nghĩa khí, giàu tình cảm...

Dẫn chứng: Khi nghe Tôn Càn nói Vân Trường đưa hai chị đến. "Trương Phi không nói không rằng, lập tức mặc áo giáp, vác mâu, lên ngựa... mắt trợn tròn xoe râu hùm vểnh ngược, hò hét như sấm..."Trương Phi xưng hô "mày - tao" và đòi tử chiến, rồi ra điều kiện và dang tay giục trống...

Trong đoạn trích này, sự hung hăng, nóng nảy của Trương Phi dễ được cảm thông vì nó “hồn nhiên”, xuất phát từ sự chân tình và lòng trung thực. Cho nên, khi Quan Vũ chứng minh lòng trung thực của mình, chém đầu Sái Dương rơi xuống đất, nhất là khi nghe tên lính Tào và hai phu nhân kể lại, Trương Phi đã khóc lạy Vân Trường, rất cảm động.

+ Nghệ thuật miêu tả Trương Phi:

- Tạo hai cách miêu tả ngược nhau: một Trương Phi nóng nảy, cương trực, đàng hoàng..., luôn đòi chém đầu Vân Trường để trả thù kẻ phản bội, ngược với một Trương Phi hồn hậu, giàu tình cảm khi nhận ra sự thật, nước mắt chảy dòng và quì lạy nghĩa huynh. Hai mặt mâu thuẫn ấy của tính cách làm cho câu chuyện có kịch tính nhưng rất hợp lí và sinh động.

- Phương pháp miêu tả thái cực: các nét tính cách đều được đẩy đến mức tuyệt đối, cực đoan - Trương Phi nóng nảy hết mức, nhưng cũng rất giàu tình cảm...

- Miêu tả gián tiếp qua hồi trống: Hồi trống cổ thành trở nên xúc động lòng người vì nó dồn hết tình cảm, tâm trạng của Trương Phi với biết bao hờn giận vì hiểu lầm, sự xót xa vì thất tán, cùng tình nghĩa thuỷ chung thắm thiết của ba anh em kết nghĩa vườn đào...

b- Nhân vật Quan Công:

+ Tính cách: Trung nghĩa, khiêm nhường.

Trước thái độ của Trương Phi, Quan Vũ vẫn nhũn nhặn, xưng hô “anh em”, “huynh đệ”, cố gắng giải thích. Khi không thể giải thích, Quan Vũ chấp nhận thử thách và đã chứng minh bằng tài trí và sự dũng mãnh. Việc lấy đầu Sái Dương khi chưa dứt một hồi trống cho thấy cái tài của viên đại tướng đứng đầu “Ngũ hổ tướng quân” đất Thục, đồng thời cởi bỏ mọi nghi ngờ của Trương Phi, khẳng định lòng trung nghĩa của Quan Vũ.

+ Nghệ thuật miêu tả:

- Tác giả đặt nhân vật vào tình huống giàu kịch tính.

- Nhân vật được miêu tả qua ngoại hình, thái độ, ngôn ngữ, hành động đặc biệt là qua hành động. Đoạn trích còn kể đến nhiều nhân vật khác, các nhân vật này có giá trị làm nền, tạo bối cảnh để làm nổi bật nhân vật chính.

- Cũng như với nhân vật Trương Phi, Quan Vũ được miêu tả theo bút pháp cổ điển, với cách miêu tả thái cực: Vân Trường được miêu tả đến mức điển hình cho người trượng phu trung nghĩa.

soạn bài hồi trống cổ thành hồi trống cổ thành