Soạn bài chiến thắng Mtao Mxây
Soạn bài chiến thắng Mtao Mxây
I. Gợi ý trả lời câu hỏi.
Câu 1. Tóm tắt diễn biến trận đánh để so sánh tài năng và phẩm chất của hai tù trưởng.
Đăm Săn khiêu chiến. Mtao Mxây ban đầu ngạo nghễ, sau đó lại tỏ ra hèn nhát, sợ bị Đăm Săn đâm khi đang đi xuống. Đăm Săn khẳng định không bao giờ làm việc xấu xa đó, Mtao Mxây mới dám đi xuống.
Hiệp đấu thứ nhất, Mtao Mxây múa khiên trước. “Khiên của hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô’’ nhưng miện vẫn không ngừng huênh hoang. Đăm Săn vẫn giữ thái độ bình tĩnh, thản nhiên. Tới lượt Đăm Săn múa khiên. Khiên chàng múa như gió bão. Chàng đâm trúng Mtao Mxây nhưng không thủng.
Hiệp đấu thứ hai, được trời mách bảo, Đăm Săn nén cái chày mòn trúng tai Mtao Mxây. Hắn ngã lăn quay ra đất. Hắn van vỉ Đăm Săn để được sống. Đăm Săn không tha thứ cho những tội ác hắn đã gây ra, đã cắt đầu hắn đem bêu ngoài đường.
Câu 2. Phân tích những câu nói và hành động của đông đảo nô lệ đối với việc thắng thua của hai tù trưởng để chỉ ra thái độ và tình cảm của cộng đồng Êđê đối với mục đích của cuộc chiến nói chung, đối với người anh hùng sử thi nói riêng.
- Tôi tớ của Đăm Săn : “Các chàng trai đi lại ngực đụng ngực. Các cô gái đi lại vú đụng vú. Cảnh làng một tù trưởng nhà giàu trông sao mà vui thế’’. Tôi tớ vô cùng phấn khích, hỏi Đăm Săn đánh chiêng nào để mừng chiến thắng. Điều đó cho thấy họ rất vui mừng, hoan hỉ khi người tù trưởng của mình chiến thắng kẻ thù, làm cho bộ tộc thêm hùng mạnh, giàu có.
- Tôi tớ của Mtao Mxây : khi chủ họ bị Đăm Săn đâm chết thì họ nhất tề, tự chuyện đi theo Đăm Săn. Cả ba lần Đăm Săn hỏi ý kiến (con số 3 là con số tượng trưng, có nghĩa là rất nhiều) thì cả ba lần họ đều khẳng định sẽ đi theo Đăm Săn. Đoàn người đi theo Đăm Săn “đông như bầy cà tong, đặc như bầy thiêu thân, ùn ùn như kiến như mối’’. Mọi người đều vui mừng trong ngày lễ ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn.
- Thái độ của những tù trưởng khác : Các tù trưởng ở các phương xa đến để chúc mừng Đăm Săn. Từ khắp mọi miền người ta khiêng rượu, khiêng lợn đến để chia vui. Nhà Đăm Săn đông nghịt khách.
Miêu tả sự đồng tình của tất cả mọi người, từ tôi tớ đến các tù trưởng, tác giả sử thi đã cho thấy chiến thắng của Đăm Săn có ảnh hưởng đến sự phát triển của cộng đồng. Đó là cuộc chiến vì sự lớn mạnh của bộ tộc và được cộng đồng hoan nghênh.
Câu 3. Thái độ, cách nhìn nhận của tác giả sử thi về y nghĩa thời đại của cuộc chiến tranh bộ tộc và về tầm vóc lịch sử của người anh hùng trong sự phát triển của cộng đồng.
Đoạn trích gồm hai phần : một phần kể về cuộc chiến đấu giữa hai tù trưởng, một phần miêu tả lễ ăn mừng chiến thắng của Đăm Săn. Tác giả sử thi đã say sưa kể về các hoạt động ăn mừng chiến thắng. Trái lại, cuộc chiến được miêu tả một cách chóng vánh, không có cảnh đổ máu ghê rợn hay sự hoang tàn sau cuộc chiến. Điều này cho ta thấy sự đồng tình, ủng hộ của tác giả sử thi đối với người anh hùng Đăm Săn.
Cuộc chiến mà người anh hùng sử thi Đăm Săn thực hiện không phải là cuộc chiến tranh phi nghĩa mà nó là cuộc chiến vì sự thống nhất và lớn mạnh của cộng đồng tộc người. Do vậy, tầm vóc của người anh hùng Đăm Săn trở thành trung tâm miêu tả, ca ngợi của toàn bộ thiên sử thi.
II. Luyện tập
1. Trong đoạn kể và tả cảnh giao chiến giữa hai tù trưởng, tác giả sử thi đã sử dụng phép so sánh. Hãy liệt kê và phân tích những câu nói và những hành động, cử chỉ của từng tù triển và của chính tác phẩm nhằm :
a. Thấy rõ hơn, kém giữa hai tù trưởng về mặt : tài năng, phẩm chất (với Mtao Mxây, cần lưu ý thêm sự miêu tả vẻ ngoài của hắn).
b. Thấy rõ tình cảm, thái độ của tác giả dân gian đối với mỗi tù trưởng.
Gợi ý :
- So sánh những câu nói và hành động của Đăm Săn và của Mtao Mxây :
+ Mtao Mxây : Khoan, diêng, khoang ! Để ta xuống. Ngươi không được đâm ta khi đang đi xuống đó nghe !
+ Đăm Săn : Sao ta lại đâm ngươi khi ngươi đang đi xuống nhỉ ? Ngươi xem, đến con lợn nái của nhà ngươi dưới đất, ta cũng không thèm đêm nữa là.
Đoạn đối thoại ngắn gọn này là làm nổi lên hai tính cách khác nhau : một bên là kẻ nhút nhát, hèn kém, lo sợ. Một bên là người anh hùng hiên ngang, đầy vẻ khí khái.
- Hành động và ngoại hình của Mtao Mxây được miêu tả như sau :
… “Mtao Mxây phải đi ra. […], khiên hắn tròn như đầu cú, gươm hắn óng ánh như cầu vòng. Trông hắn dữ tợn như một vị thần […] dáng tần ngần do dự, mỗi bước mỗi đắn đo…’’.
Qua những nét phác họa trên, tác giả dân gian đã cho chúng ta thấy sự khiếp nhược của Mtao Mxây. Đồng thời ngoại hình của Mtao Mxây cho thấy hắn là một kẻ hung ác, dữ tợn.
Ngược lại với Mtao Mxây, Đăm Săn được khác họa như sau (đoạn này không nằm trong đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây của SGK) :
“Nó không biết Đăm Săn à ? Nó không biết người tù trưởng đầu đội khăn kép và vai mang túi da. Nó không biết Đăm Săn có danh tiếng đến tận thần linh sông núi, không có một tướng nào là không biết đến Đăm Săn’’.
Rõ ràng, thông qua việc mô tả ngoại hình, hành động, tác giả sử thi còn cho thấy sự hơn kém về tài năng phẩm chất của hai nhân vật, đồng thời bộc lộ tình cảm yeu – ghét của mình đối với hai nhân vật đó.
Trong cuộc chiến, Đăm Săn và Mtao Mxây cũng được miêu tả với biện pháp so sánh tương phản giữa hai nhân vật :
- Thế là Đăm Săn lại múa. Chàng múa trên cao, gió như bão. Chàng múa dưới thấp, gió như lốc. […] Mtao Mxây rung khiên múa vậy. Khiên hắn kêu lạch xạch như quả mướp khô. Hắn múa một mình. Đăm Săn không nhúc nhích.
- Đăm Săn rung khiên múa. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi tranh. Một lần xốc tới, chàng vượt một đồi lồ ô. […]. Còn Mtao Mxây thì bước cao bước thấp hết bãy tây sang bãi đông.
Đăm Săn hiện lên lẫm liệt, đường hoàng bao nhiêu thì Mtao Mxây lại run rẩy, sợ hãi bấy nhiêu. Rõ ràng, tác giả dân gian không hề trung lập, khách quan trong lời kể mà mỗi chi tiết đều nhằm xây dựng nhân vật trong thế tương phản, đối lập, qua đó bộc lộ tình cảm yêu – ghét rõ ràng, bên cạnh việc ca ngợi người tù trưởng anh hùng là sự khinh bỉ tên tù trưởng hung ác.
2. Kết thúc đoạn trích Chiến thắng Mtao Mxây có đoạn :
“Cả miền Ê-đê Ê-ga ca ngợi Đăm Săn là một dũng tưỡng chắc chết mười mươi cũng không lùi bước. Ngực quấn chéo một tấm mền chiến, mình khoác một tấm áo chiến, tai đeo nụ, sát bên mình nghênh ngang đủ giáo gươm, đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre, chàng Đăm Săn hiện ra là một trang tù tưởng mới giàu lên, đang tràn đầy sức trai, tiếng tăm lừng lẫy. Bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng ầm ầm tựa sấm dậy, chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì dãy xà dọc : Đăm Săn vốn đã ngang tàng từ trong bụng mẹ’’.
Trong đoạn văn trên, tác giả đã sử dụng những biện pháp nghệ thuật gì để miêu tả nhân vật ? Hãy phân tích giá trị miêu tả và biểu cảm của các biện pháp đó.
Các biện pháp nghệ thuật được sử dụng :
- So sánh : “đôi mắt long lanh như mắt chim ghếch ăn hoa tre’’.
- So sánh trùng điệp : “bắp chân chàng to bằng cây xà ngang, bắp đùi chàng to bằng ống bễ, sức chàng ngang sức voi đực, hơi thở chàng tựa sấm dậy’’.
- Phóng đại : “chàng nằm sấp thì gãy rầm sàn, chàng nằm ngửa thì gãy xà dọc’’.
- Phân tích giá trị miêu tả và biểu cảm của các biện pháp đó :
Ngoài tác dụng khắc họa tầm vóc lớn lao, đẹp đẽ của người anh hùng sử thi, các biện pháp nghệ thuật trên (cũng là những biện pháp tiêu biểu được sử dụng trong sử thi) đã tạo cho đoạn trích một vẻ đẹp riêng, một phong cách rất riêng : đó là phong cách vừa lãng mạn vừa hào hùng của thể loại anh hùng ca. Người anh hùng sử thi hiện lên không phải là hình ảnh của một con người bình thường mà mang vẻ đẹp kì vĩ của thần linh. Các biện pháp so sánh trùng điệp, câu miêu tả với nhiều vế liên tiếp nhau tạo cho đoạn trích một sự nhịp nhàng, đối xứng, câu văn mang tính nhạc cao, rất thích hợp với hình thức lưu truyền hát – kể của sử thi.