Phân tích đoạn trích hồi 4 kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng
Đề bài: Phân tích đoạn trích hồi bốn kịch Bắc Sơn của Nguyễn Huy Tưởng.
Bài làm
Nói đến kịch là nói đến một dạng thức đặc biệt nhằm phản ánh cuộc sống của văn học. Đối tượng của nó là những mâu thuẫn, những xung đột không thể dung hoà giữa các lực lượng đối lập nhau. Nhân vật kịch do đó phản ánh những mâu thuẫn khách quan, nghĩa là có những xung đột cần phải giải quyết. Chỉ có điều: cách thể hiện của kịch thường thông qua đối thoại (cũng có khi độc thoại) cùng với hành động. Những đặc điểm khái quát trên đây bộc lộ khá đầy đủ trong vở kịch Bắc Sơn, vở kịch được xem là một thành công của văn học cách mạng những ngày đầu trong phạm vi sân khấu. Ở đây là hồi bốn của vở kịch.
1. Tình huống kịch (còn gọi là xung đột kịch) bắt đầu từ lớp I, khi Ngọc (chồng Thơm) đột ngột ra đi ("khuya thế đi đâu ?"). Hành động khác thường này không những làm cho Thơm không thể yên lòng mà còn phải chăng nó xác nhận những nghi vấn của chị, của dư luận : Ngọc làm tay sai, làm chó săn cho Tây ? ("Người ta bảo anh thằng Sáng dắt Tây vào đánh Vũ Lăng"). Mặc dù Ngọc che giấu và tìm mọi cách để thanh minh, nhưng tất cả lí lẽ mà hắn đưa ra đều chống lại hắn : không làm tay sai cho giặc thì làm sao lại có nhiều tiền, ông Thái có tội gì mà sục lùng tìm bắt ? Lại còn mơ ước có danh phận, được phẩm hàm (cửu phẩm) như ông lí nếu không theo giặc thì lấy đâu ra ? Tâm trạng của Thơm thật ngổn ngang : vừa khẳng định ("Chỉ tại con thôi ! Con có biết đâu ?") vừa nghi ngờ ("Đã chắc gì những lời đồn ?... Nhưng tiền thì lấy đâu mà lắm thế ?"...), vừa ân hận ("Thà con cứ ở nhà lại rảnh") vừa lo lắng ("Không khéo thì ông Thái bị bắt mất, sao cứ lúng túng mãi không trốn được đi ?").
Sang lớp II, xung đột kịch đột ngột được tăng cường. Đối tượng bị Ngọc và đồng bọn truy lùng lại rơi đúng vào nhà của vợ chồng hắn. Tình huống này một mặt xác nhận động cơ mà Ngọc bỏ nhà ra đi vào lúc đêm khuya đúng như Thơm đã nghi ngờ, nhưng mặt khác, chị phải ứng phó ra sao, giải quyết ra sao với hai người chiến sĩ cách mạng ? Chính sự thông minh và thái độ yêu ghét dứt khoát của Thơm đã tìm ra một giải pháp : đưa Thái, Cửu vào nơi mà chính Ngọc không ngờ (buồng ngủ của hai vợ chồng). Nơi ấy vừa bịt mắt được kẻ thù, vừa dễ dàng có lối thoát.
Hứng thú của người xem lên tới đỉnh điểm của sự hồi hộp, ấy là khi mâu thuẫn lên đến cao trào : lớp III của Hồi bốn. Lúc này gian ngoài có Thơm và Ngọc, buồng trong có Thái, Cửu ; bên ngoài có quan Tây và đồng bọn của Ngọc bao vây đúng ở lối buồng đi ra. Tình trạng nguy ngập của hai chiến sĩ cách mạng phản ánh trong thái độ cuống quýt của Thơm ("Sao lại đợi ở đấy ? Sao không mời các ông ấy lên chơi cả cho vui có được không ?") May mà sự nghi ngờ của Ngọc ("Chắc là nó còn ở đấy, lúc nãy, mình trông nhầm nó chạy về đây thì phải") không giữ chân bọn chúng. Còn nếu không, chẳng biết sự thể sẽ diễn biến ra sao ?
2. Về nhân vật kịch, ở Hồi bốn có nhiều người. Nhân vật chính là Thơm, Ngọc (chổng Thơm) và Thái, Cửu.
Tính cách của Thơm là tính cách của người phụ nữ có phần bị ràng buộc, an phận theo chồng. Nhưng tình thế cách mạng sục sôi làm cho Thơm không thể ngủ yên trong hạnh phúc, nhất là một thứ hạnh phúc mong manh. Nếu chồng Thơm làm tay sai cho giặc thì hạnh phúc đó chắc chắn không còn, và hơn thế, sự đồng loã vô tình của Thơm (với Ngọc) còn là một hành vi phản bội, phản bội với cách mạng và với chính người thân : cha Thơm, em Sáng của Thơm, cả mẹ Thơm khi biết Ngọc là ai đã bỏ vợ chồng hắn ra đi. Những giằng xé ấy buộc người phụ nữ phải chọn lấy một thái độ, một con đường. Chưa biết cách mạng là gì, nhưng biết cha và em mình là ai, biết Thái và Cửu là người tốt, Thơm đứng hẳn về phía cách mạng. Cái cần đối với Thơm lúc này không chỉ có thế. Cùng với sự quyết đoán, Thơm cần phải tỉnh táo, thông minh. Sự thăm dò với chồng (...) ở lớp I (...) ứng phó kịp thời (...) ở lớp II (...), giả vờ vui vẻ (...) ở lớp III (...) đã làm cho người chồng phản bội không tìm ra dấu vết. Hành động của Thơm, nhất là ở lớp II vô cùng nguy hiểm. Điều này không phải chị không tự biết. Nhưng không còn một cách nào hơn. Đúng như Thái nghĩ "Tôi biết cô Thơm. Anh đừng nghi dòng máu cụ Phương. Tôi tin như thế". Người cán bộ ấy có một niềm tin đặt vào đúng chỗ.
Tuy với quan hệ vợ chồng nhưng điều đáng buồn ở chỗ : nếu Thơm là một nhân vật chính diện (tích cực) thì Ngọc lại là một điển hình phản diện (tiêu cực). Về lí tướng, lẽ sống, Ngọc là một kẻ tầm thường. Vì cái danh, cái lợi cá nhân, hắn có thể bán linh hồn cho quỷ, làm chó săn cho giặc để vinh thân phì gia. Hạnh phúc đối với hắn là kiếm được nhiều tiên để tậu ruộng và để như hắn nói nửa đùa nửa thật với Thơm : "Còn tiền, thì hỏi tôi kiếm về cho ai tiêu ?
Cho một minh tôi à ? Ai đánh nhẫn, ai may áo ?". Còn cái danh mà hắn hậm hực với ông lí : "Ông ấy thế mà cửu phẩm rồi đấy... Chỉ mình là đen, không danh phận gì, lép vế trong làng quá !". Bị vợ truy hỏi gắt gao, hắn biết dánh lạc hướng cũng là để hạ bộ một thần tượng của Thơm : "Em phục giáo Thái thế à ?... giáo Thái chính là mật thám cho Tây đấy". Đáng ghét hơn nữa, hắn có thứ triết lí hai giọng thật tàn nhẫn đến lạnh lùng đối với việc lùng sục những người cách mạng : "Đàng nào thì chúng nó cũng bị bắt, mình chả bắt thì cũng người khác bắt, bắt sớm lại đỡ khổ, dân lại được yên ổn làm ăn, thế lại hơn". Vừa tự thú vừa che giấu, bộ mặt thật của y, nghĩa là tâm địa của y thật là đê tiện.
Các nhân vật khác như Thái và Cửu trong hồi kịch này không phải là nhân vật chính. Cả hai chỉ xuất hiện ở lớp II. Tuy đều là những người cách mạng, ở họ cũng có những nét riêng. Cửu tuy là người tốt nhưng còn bồng bột, đơn giản đến ngây thơ (anh cho rằng không thể tin được ở Thơm vì vợ Việt gian thì cũng là Việt gian), rơi vào tình trạng hiểm nghèo dễ hoang mang tuyệt vọng ("Tôi giết anh rồi"). Còn trái lại, Thái là một con người già dặn, đầy bản lĩnh, ứng phó với tình hình có nghĩ trước nghĩ sau. Biết là bước ra khỏi buồng của vợ chồng Thơm là rơi vào vòng vây của cái chết, nhưng ở lại thì không đành lòng vì "liên luỵ đến cô Thơm". Phải nghe theo mệnh lệnh của Thơm, đó là cách lựa chọn duy nhất dúng lúc này.
Thành công của vờ kịch nói chung và Hồi bốn nói riêng chính là ở chỗ : Bắc Sơn đã phản ánh được một không khí đầy căng thẳng trong cuộc chiến đấu giữa cách mạng với kẻ thù. Trong cuộc đấu tranh ấy, cách mạng là vì dân, biết dựa vào dân, được dân đùm bọc, thương yêu, bảo vệ, sự nghiệp của cách mạng nhất định thắne lợi vẻ vang. Chân lí ấy đến với người đọc chúng ta đầy sức thuyết phục bới nó gắn với những hoàn cảnh cụ thể, những số phận con người cụ thế thông qua những xung đột dữ dội mà có được sự trưởng thành. Bài học về cách mạng dầy máu và nước mắt do đó không thể giản đơn, hời hợt.