Những Bài Văn Tả Đồ Vật Lớp 5 Hay Nhất

Thứ sáu , 07/04/2017, 19:05 GMT+7
     

 Tập làm văn lớp 5: Những bài văn tả đồ vật lớp 5 hay nhất

Tả quyển sách Tiếng Việt 5, tập hai của em

Bên ngoài là một hình chữ nhật nhưng ở trong chứa đựng những kho tàng kiến thức vô cùng quý giá, các bạn có biết đó là vật gì không? Đó chính là ngôi nhà kiến thức của tôi đấy. Ngôi nhà kiến thức này được mang tên “Tiếng Việt 5, tập hai”.

Ngôi nhà kiến thức này khá đẹp và xinh xắn. Xung quanh ngôi nhà được bao bọc bởi một bức tường rắn chắc. Trên bức tường đó là hình ảnh đồng ruộng, núi non, biển cả và đặc biệt là hình ảnh các bạn học sinh của các vùng miền đang ngồi nói chuyện một cách vui vẻ. Hình như các bạn đang trao đổi để cùng nhau khám phá vẻ đẹp của quê hương đất nước. Trên cùng của bức tường có in hàng chữ ghi nơi có những người “kĩ sư” đã xây dựng nên ngôi nhà kiến thức này: “Bộ Giáo dục và Đào tạo”. Tiếp đó, một hàng chữ xanh dương và là tên của ngôi nhà: "Tiếng Việt 5 ”, riêng số 5 được mặc chiếc áo đỏ hồng nổi bật hẳn lên. Phía dưới bức tường là dòng chữ trắng ghi địa chỉ sản xuất ngôi nhà này và nhiều ngôi nhà khác nữa: “Nhà xuất bản Giáo dục”. Phía sau ngôi nhà có một bức tường khác trắng tinh, bên dưới có đánh mã số, chính là địa chỉ của ngôi nhà đấy, các bạn ạ! Để ngôi nhà được sạch sẽ và lúc nào cũng như mới, tôi đã mặc cho nó một chiếc áo bằng ni lông trong suốt.

Khi mở cánh cửa ngôi nhà, bạn sẽ thật ngạc nhiên vì có mùi hương nhè nhẹ bay ra. Chao ôi! Những tờ giấy trắng tinh, những dòng chữ duyên dáng, những hình ảnh sống động, đã điểm tô cho ngôi nhà một vẻ đẹp có sức quyến rũ đến lạ thường. Ngôi nhà được thiết kế theo từng chủ điểm. Mỗi chủ điểm được học trong ba tuần. Trong mỗi tuần, các phân môn của môn Tiếng Việt được sắp xếp theo một thứ tự nhất định. Tập đọc giúp tôi biết đọc đúng, đọc hay, đọc hiểu. Chính tả giúp tôi viết đúng và đẹp văn bản. Nhờ có luyện từ và câu mà tôi biết thêm nhiều từ ngữ, biết cách dùng từ và viết câu dúng ngữ pháp. Tập làm văn luyện cho tôi cách nói hay, viết hay. Kể chuyện thì kích thích lòng ham đọc sách của tôi. Ngôi nhà đã đi cùng tôi suốt học kì hai của năm học cuối cấp này, giúp tôi mở mang kho tàng kiến thức.

Ngôi nhà đã trở thành người bạn thân thiết cùa tôi tự bao giờ, tôi cũng không biết nữa. Tôi quý nó, tôi yêu nó cũng như tôi luôn trân trọng những kiến thức nó đã mang đến cho tôi. Ngôi nhà này sẽ mãi là bạn của tôi cho dù năm học kết thúc.

Nguyễn Xuân Phương - Hải Dương

Nhận xét của giáo viên:

1. Những ưu điểm cần học tập

Bài có bố cục ba phần rõ ràng. Trong đó, phần mở bài viết theo cách gián tiếp, Phương dẫn dắt để giới thiệu về quyển sách khá hay. Phần thân bài, bạn tả theo trình tự hợp lí, tả từ ngoài vào trong. Phần kết bài bày tỏ được tình cảm yêu quý và trân trọng cuốn sách.

Bạn đã tự tạo ra một phong cách riêng, khó lẫn với những bài văn khác bởi cách mà bạn triệt để sử dụng trong bài: nhân hoá cuốn sách "Tiếng Việt 5, tập hai”, cụ thể cả cuốn sách được gọi là “ngôi nhà kiến thức”, bìa sách là “hức tường”, động tác mở sách là “mở cánh cửa ngôi nhà”, lớp ni lông bọc sách là “chiếc áo ”... Câu chuyển đoạn ở phần thân bài hợp lý: ”Khi mở cảnh cửa ngôi nhà, bạn sẽ thật ngạc nhiên vì có một mùi hương nhè nhẹ hay ra ”.

Diễn đạt lưu loát, hấp dẫn, truyền cảm, nội dung miêu tả phong phú. Bìa cuốn sách được bạn miêu tà sinh động và cụ thể đến từng chi tiết. Ngoài ra, bạn ca ngợi khá khéo léo một số điểm mạnh của sách: chất liệu (giấy trắng tinh, thơm), kênh hình đẹp, cách xây dựng nội dung “theo từng chủ điểm ”, đặc biệt là ý nghĩa thiết thực của các bài học trong môn tiếng Việt đối với bạn.

2. Những hạn chế cần rút kinh nghiệm

- Bạn còn mắc lỗi dùng từ, đặt câu.

- Cách gọi cuốn sách Tiếng Việt 5 là "ngôi nhà kiến thức” là cách gọi sử dụng biện pháp nhân hoá, khá hay và đặc biệt, đó là cách gọi rất riêng của bạn. Vì thế trong toàn bộ bài văn, bạn nên đưa cụm từ này vào trong dấu ngoặc kép.

- Phần miêu tả bên trong cuốn sách hơi sơ sài.

Bài luyện tập:

1. Chỉ ra lỗi dùng từ trong các câu văn sau và chữa lại cho hợp lý.

a) Xung quanh ngôi nhà được hao bọc hởi một bức tường rắn chắc.

b) Tôi quý nó, tôi yêu nó cũng như tôi luôn trân trọng những kiến thức nó đã mang đến cho tôi.

2. Bổ sung ý vào câu văn sau cho đầy đủ và chặt chẽ hơn.

Chao ôi! Những tờ giấy trắng tinh, những dòng chữ duyên dáng, những hình ảnh song động,... đã điểm tô cho ngôi nhà một vẻ đẹp cỏ sức quyến rũ đến lạ thường.

3. Bổ sung thêm ý để các câu sau liên kết chặt chẽ với nhau hơn:

“ Trong mỗi tuần, các phân môn của môn Tiếng Việt được sắp xếp theo một thứ tự nhất định. Tập đọc rèn cho tôi biết đọc đúng, đọc hay, đọc hiểu ”.

4. Viết đoạn mở bài hoặc đoạn kết bài cho bài văn trên theo cách của em.

Tham khảo thêm những bài văn tả sách tiếng Việt lớp 5 tập hai tại đây:

 https://hoctotnguvan.net/ta-quyen-sach-tieng-viet-5-tap-hai-cua-em-33-3007.html

 

Tả cái đồng hồ báo thức

Bài làm

Reng... reng... reng...! Một âm thanh vang lên và kéo dài vào đúng sáu giờ sáng để đánh thức tôi dậy đi học. Các bạn có biết đó là âm thanh từ đâu không? Đó chính là từ chiếc đồng hồ có nhãn hiệu “BaBy ” mà ba đã tặng cho tôi đấy.

Chiếc đồng hồ của tôi đẹp lắm. Chú ta luôn diện bộ quần áo màu vàng, bóng loáng làm bằng nhựa cứng, trông rất oách. Chú chỉ to bằng hộp phấn màu mà thôi. Quanh vòng đồng hồ, các em số từ một đến mười hai được xếp thành một vòng tròn xoay. Trong mặt đồng hồ luôn có sự ganh đua giữa ba anh em. Kim giờ là anh cả, đã béo múp thế kia lại không chịu giảm cân, chạy chậm rề rề. Kim phút cao hơn và chạy nhanh hơn anh kim giờ một chút. Nhưng luôn đạt giải quán quân trong cuộc thi chạy ấy chính là kim giây, cũng có thể coi cậu là em út trong nhà. Cậu bé kim giây cao lêu nghêu khá tinh nghịch. Cũng có lẽ vì nghịch quá nên cậu ta gầy giơ xương. Cậu ta luôn mặc bộ quần áo màu đỏ chót, nổi bật hơn hẳn bộ quần áo màu đen cùa anh chị mình. Chỉ cần thế cũng biết ba anh em nhà kim có nhiều điểm khác hẳn nhau, phải không các bạn? Nhưng ba anh em nhà họ lúc nào cùng thương yêu nhau lắm dấy.

Đằng sau đồng hồ còn có nút hẹn giờ và nút vặn giờ. Các bạn có biết nguồn năng lượng dồi dào đã giúp đồng hồ miệt mài làm việc là ai không? Đó là pin đấy! Tuy cậu ta nhỏ bé nhưng lại người bạn giúp đồng hồ chạy đúng thời gian.

Vào các dịp cuối tuần, tôi thường dọn dẹp căn phòng của mình và không bao giờ quên lau chùi cho đồng hồ. Chính vì vậy, đồng hồ lúc nào cũng sạch sẽ. Cứ cuối tháng thì bạn Pin vì say sưa công việc của mình nên sức cũng yếu dần, tôi phải thay cậu bạn khác vào để giúp cho bạn đồng hồ biết thời gian.

Tuy đồng hồ kém tôi năm tuổi, nhưng tôi luôn coi đồng hồ như người bạn cùng trang lứa. Tôi sẽ cố gắng là bạn của đồng hồ trong suốt những năm tháng học trò.

Trịnh Duy Hoàng - Thanh Hoá

Nhận xét của giáo viên:

1. Những ưu điểm cần học tập

Giới thiệu chiếc đồng hồ báo thức bằng âm thanh đặc trưng của nó - đây là cách mở bài rất ấn tượng mà bạn đã mang tới cho người đọc. Bạn lựa chọn một số chi tiết tiêu biểu về hình dáng bên ngoài của chiếc đồng hồ để miêu tả như: màu sắc, chất liệu, kích thước. Ba chiếc kim: kim giờ, kim phút, kim giây được bạn miêu tả khá kỹ lưỡng bằng các câu văn ngắn gọn nhưng không kém phần sống động, cộng với cách diễn đạt có phần hóm hỉnh, bạn đã tạo cho người đọc cảm giác bất ngờ, thú vị.

Ngoài ra, bạn còn thể hiện được tình cảm của mình với chiếc đồng hồ thông qua việc bạn chăm sóc cẩn thận chiếc đồng hồ của mình.

2. Những hạn chế cần rút kinh nghiệm

- Phần thân bài cùa bạn còn thiếu ý (chi tiết về chiếc kim báo thức chưa được miêu tả).

- Phần kết bài hơi khô khan, gượng ép.

Bài luyện tập

1. Phần thân bài của bạn còn thiếu một chi tiết quan trọng, đó là chi tiết nào? Em hãy viết bổ sung giúp bạn.

2. Viết lại đoạn kết bài cho hợp lý và hay hơn.

3. Viết bài văn miêu tả chiếc đồng hồ báo thức của em.

Tham khảo thêm bài văn tả cái đồng hồ báo thức tại đây:

  https://hoctotnguvan.net/ta-cai-dong-ho-bao-thuc-33-3009.html

 

Tả một đồ vật trong nhà mà em yêu thích

Trong họ hàng nhà chổi thì cô bé Chổi Rơm vào loại xinh xắn nhất, Cô có chiếc váy vàng óng, không ai đẹp bằng, áo của cô cũng bằng rơm thóc nếp vàng tươi, được tết săn lại, cuốn từng vòng quanh người, trông cứ như là áo len vậy.

Tuy bé nhưng Chổi Rơm rất được việc. Ngày hai lần, chị Thuỳ Linh mang chổi ra quét nhà. Chi quét nhà thôi, còn sân, vườn đã có chổi khác cứng hơn.

Chị rất quý Chổi Rơm. Chị đã nhờ bà đóng cho chiếc đinh sau cánh cửa. Mỗi lần quét nhà xong, chị treo Chổi Rơm lên đấy vừa đỡ ẩm chổi, lại gọn nhà. Thế là sau những lần lao động mệt nhọc, Chổi Rơm được nằm yên ngủ một giấc ngon lành.

Theo Vũ Huy Thông

Lời bình:

Tác giả nhân hoá cây Chổi Rơm - một đồ vật bình thường, giản dị trở thành một cô gái xinh đẹp, chăm làm. Vẻ đẹp cuả cô Chổi Rơm là ở màu sắc nổi bật, không ai đẹp bằng với “chiếc váy vàng óng”, là ở chiếc áo len đặc biệt được tết bằng "rơm thóc nếp vàng tươi” - kết quả của một vụ mùa bội thu.

Những dòng văn dù ngắn ngũi nhưng được viết bằng ngôn ngữ miêu tả đặc sắc, cô đọng, súc tích bởi hàm chứa trong đó là tình cảm cùa tác giả đối với đồ vật nhỏ bé này. Tình cảm đó trước hết thể hiện ở lời khen ngợi công khai, trực tiếp vẻ duyên dáng, dễ coi cùa cô bé Chổi Rơm: “vào loại xinh xắn nhất”, đến vẻ ưa nhìn trong trang phục nhã nhặn, lịch sự của cô: “chiếc váy vàng óng và lời tán dương cái áo của Chổi Rơm: “trông cứ như là áo len vậy”. Bên cạnh đó, cái nết hay làm cũng được tác giả ca ngợi hết lời - cái nết “rất được việc”.

Thái độ tình cảm cùa tác giả còn được thể hiện ở lời văn như lời trò chuyện giữa những người thân: “chỉ quét nhà thôi, còn sân, vườn đã có chổi khác cứng hơn”. Và trên hết, đó là tình cảm quý mến, trân trọng của người sử dụng cây Chổi Rơm, cây chổi được nâng niu treo trên “chiếc đinh sau cánh cửa cho đỡ ám khói” để sau khi làm việc “Chổi Rơm được nằm yên ngủ một giấc ngon lành ”. Đây chính là cái tình của người với vật.

Bài luyện tập:

1. Phân đoạn bài văn trên và nêu nội dung chính của mỗi đoạn? Những câu nằm ở đầu mỗi đoạn văn có vai trò gì trong mỗi đoạn và trong cả bài?

2. Viết một đoạn văn tả hình dáng một đồ vật trong nhà mà em yêu thích.